Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

VÕ SƯ NGÔ ANH THƯ PHẦN 2

Giới thiệu về Võ Sư Ngô Anh 

Ngô Anh là con thứ ba của Thầy Ngô Đồng,năm nay 49 tuổi. Người to lớn, tập tạ nên rất đô con, khi ra đòn thì nhanh và nặng ngàn cân, nhưng cách đỡ và di chuyển lại rất mềm mại, nhẹ nhàng. Sau này Võ Sư Anh chuyên luyện thêm về nhu quyền và ứng dụng các nguyên tắc vừa Cương vừa Nhu vào song đấu rất sang tạo, tuyệt vời. Khi còn là học sinh trung học và các năm đầu đại học, Võ Sư Ngô Anh thắng nhiều giải về đấu trong các trận thi đấu tự do tại Mỹ.

Ngô Anh tốt nghiệp Cử Nhân về Quản Trị Kinh Doanh tại đại học Florida State University ở Tallahassee, Florida. Khi còn đi học ở Tallahassee, võ sư Anh có giúp tôi dạy các lớp trong Võ Đường Cương Nhu của tôi tại đó. Sau khi tốt nghiệp, Ngô Anh lập gia đình và theo công việc lên tiểu bang New Jersey, làm Giám Đốc Quản Lý cho công ty Century 21, bán áo quần, mỹ phẩm và thời trang rất lớn ở ngay bên Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (World Trade Center), trung tâm thành phố New York. 

Vào tháng 7 năm 2001 gia đình chúng tôi trong chuyến đi chơi miền Đông Bắc nước Mỹ có ghé thăm gia đình Võ Sư Anh và được Võ sư Anh hướng dẫn chúng tôi đi chơi nhiều nơi ở New York. Công ty Century 21 ngay trước WTC nên chúng tôi loanh quanh luôn một ngày ở khu đó. Hai tháng sau, vào sáng ngày 11 tháng 9 năm 2011, hai chiếc máy bay do quân khủng bố điều khiển đã đâm vào hai tòa nhà chọc trời WTC , làm nỗ tung và sập luôn cả hai tòa nhà này. Hôm đó tôi rất nóng ruột, nhưng liên lạc không được vì điện thoại vùng New York bị cắt đứt. mãi đến gần tối mới nói chuyện được, và chúng tôi rất mừng khi biết hôm đó là ngày nghỉ hàng tuần nên VS Anh ở nhà, không đi làm. Thật là may mắn vì khi hai tòa WTC sập thì các buildings sát bên cũng bị hư hại nặng, nhiều người chết. Mấy năm sau đó, Võ Sư Anh cùng gia đình về lại Florida và từ đó đến nay VS Anh làm Quản Lý Công Trình cho công ty xây cất mà VS Ngô Quỳnh sáng lập tại Jacksonville, Florida

Võ sư Anh và vợ là bà Kathleen có hai cháu, một trai một gái. Cháu gái đầu, Madeleine, lên đai đen năm 2011 và sẽ vào học năm đầu tại đại học University of Florida ở Gainesville vào tháng 8 năm nay. Cháu trai út tên Liam nhỏ hơn và dự định sẽ thi đai đen vào năm tới.

Võ Sư Ngô Anh đằm thắm, tài năng cao nhưng nhũn nhặn, ít nói nhưng vui tính nên trong môn phái ai cũng mến.

GỚI THIỆU VÕ SƯ NGÔ ANH THƯ

Giới thiệu Võ Sư Ngô Anh Thư

Ngô Anh Thư là con gái út của Thầy Ngô Đồng. Anh Thư sinh ra trong những ngày khói lữa đạn bom trongTết Mậu Thân ở Huế, và do chính tay Thầy là người đỡ đẻ cho vợ . Ngày Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, khi người CS chiếm đóng và kiểm soát thành phố Huế thì những gia đình giáo chức ở trong Cư Xá Giáo Chức Đại Học Huế, trong đó có gia đình Thầy, đều bị cô lập ngay trong nhà, không được đi đâu, ngay cả đi qua căn kế bên. Khi cô Thanh Châu (vợ của Thầy), chuyển bụng, người Bác Sĩ dạy Đại Học Y Khoa Huế ở trong cư xá họ cũng không được qua nhà để đỡ đẻ cho Cô nên phải viết cách đỡ đẻ vào tờ giấy, nhờ người ở lén lút đưa sang. Hôm đó Thầy phải tự đỡ đẻ cho vợ theo phương pháp đọc được trong tờ giấy này. Trong điều kiện khó khăn vậy mà vẫn mẹ tròn con vuông nên Thầy Cô đặt tên cho con là Anh Thư (Anh và Thư đều có nghĩa là anh hùng). Người cũng như tên đặt, Anh Thư là người can đảm, thông minh và tận tụy với mọi người.

Thầy thường nói rằng trong những lúc khó khăn, con người mới lộ rất rõ bộ mặt của họ. Trong những ngày Tết Mậu Thân, gia đình vì không chuẩn bị nên không đủ gạo và thứ ăn mà cũng không mua ở đâu được cả. Chị Người Ở trong nhà mới lén lên tầng trên kêu cứu với một vị khoa bảng, ông này có Tiến Sĩ bên Tây về, lúc đó làm Khoa Trưởng (tôi cũng không muốn nhắc tên). Ông ấy tần ngần rồi đưa cho cô người ở này một lon nước gà (chicken broth) đem về. Chị Người Ở buồn rầu kể lại là thấy trong bếp của Vị Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Trưởng đó còn rất nhiêu đồ hộp, nhiều thức ăn mà ông chi đưa cho chị một lon hộp nước gà. Khi Chị Người Ở xuống nhà của Người Lao Công chuyên quét dọn trường Đại Học Huế thì người đó lui sau bếp, ông lấy gạo, lấy nước mắm, thức ăn còn lại ông chia đôi, bảo Chị Ở đem về. Ông Lao Công nói tôi có bao nhiêu thì xin cùng chia xẻ với Thầy Cô lúc khó khăn.

Chuyện này để lại ấn tượng sâu xa với Thầy nên nhiều khi bàn về chuyện thời sự với tôi Thầy hay nhắc lại câu nói của Mao Trạch Đông “Trí Thức không bằng cục phân”.

Những năm cuối đời của Thầy, Anh Thư là người ở với Cha và tận tụy săn sóc hàng ngày cho Cha.

Anh Thư tốt nghiệp Cử Nhân Tài Chánh, Đại Học Florida State University, Tallahassee và hiện nay là Chủ Tịch Công Ty Xây Dựng do VS Ngô Quỳnh sáng lập.

Anh Thư lập gia đình với Jason Blacklund. Jason người gốc Nhật, Chưởng Môn phái võ Kiếm Đạo và Nhu Thuật ở Nhật từ năm hai mươi tuổi. Jason võ giỏi, hiền lành, rất tich cực dạy trong Võ Đường Cương Nhu và trong các trại huấn luyện hàng năm.

Anh Thư được mọi người trong Cương Nhu mến phục. Tính tình đơn giản và tận tụy. Khi dạy, cô hết sức tận tâm với học trò. Với các võ sinh từ xa về để thi lên đai, cô dùng cơ hội đó để dạy thêm, lo lắng cho từng người.

Khi Thầy Ngô Đồng còn sống, Thầy thường hay nói với tôi rằng “trong bốn người con, Thư là người có tính tình giống Thầy nhất, từ khả năng lãnh đạo đến cách đối xử chân tình với mọi người.”

VÕ SƯ NGÔ ANH THƯ


Ngô Anh Thư, Hoàng Thống Lập, Ngô Anh. Hình chụp tại trại huấn luyện Cương Nhu 2011.

Ý NGHĨA CỦA KHÔNG THỦ ĐẠO


Lap T. Hoang
Lap T. Hoang đã cập nhật trạng thái của anh ấy: The meaning of KARA in KARATE
As a mirror's polished surface reflects whatever stands before it and a quiet valley carries even the small sounds so must the student of karate render his mind empty of selfishness and wickedness in an effort to react appropriately to anything he might encounter. This is the meaning of kara in karate..." Funakoshi, Gichin

Ý Nghĩa chữ Không trong Không Thủ Đạo (Kara in Karatedo) (KARA= Không, Empty TE= Thủ = Hand, DO= Đạo= The Way)

Nhiều người, ngay cả nhiều võ sư ở Mỹ, cứ tưởng Không Thủ Đạo là tay không (Empty Hand Combat), một môn võ mà khi tự vệ, trong tay không có vũ khí. Thật ra từ ngày xưa ở Okinawa, nơi cội nguồn của Karate, Karate được viết là "Đường Thủ Đạo" (nhà Đường Lý Thế Dân bên Tàu). và còn gọi là Trung Hoa Thủ (Chinese Hands). Người Tàu sang đó dạy võ và người Okinawa sang Trung Hoa học võ cả mấy trăm năm trước. Năm 1916 hay 1917 (trong sách ông Funakoshi viết là ông cũng không nhớ), khi tổ sư Shotokan Karate là Ông Gichin Funakoshi từ Okinawa sang Nhật Bản để biễu diễn, sau đó ở lại Nhật dạy Karate thì lúc đó nước Nhật vừa qua cuộc chiến tranh với Trung Hoa, tinh thần bài Hán rất cao nên ông bèn viết lại tiếng Đường thành tiếng Không (hai chữ này đồng âm khác nghĩa = homonym). Tuy vẫn gọi là Không Thủ Đạo nhưng chữ viết không còn nhắc đến nguồn gốc nhà Đường của Trung Hoa nữa.

Chữ Không này là chữ Không của Phật Giáo (Không ở trong Trí Định Huệ, không phải là trong tay không nắm gì, dần dần người ta quên đi cái ý chính mà đi theo ý phụ). Các môn phái Karate ở Okinawa, Nhật, và khắp thế giới vẫn còn dạy các vũ khí cổ truyền như Côn, Đoản Côn, Nunchaku, Sai, v.v...

Tổ Sư Karate Gichin Funakoshi có viết rất rõ về chữ Không bằng tiếng Nhật, dịch sang tiếng Anh, tôi dịch lại bằng tiếng Việt:

“Như tấm gương phải lau chùi thật sạch thì mới phản ảnh đúng vật thể đang soi trước gương. Thung lũng phải thật yên tĩnh mới nghe được tiếng động nhỏ. Võ sinh Không Thủ Đạo cần dứt bỏ hết tính ích kỹ, hung ác, để cho tâm được an bình tĩnh lặng thì mới đối phó được những bất trắc trong cuộc đời. Đây là nghĩa chữ Không (Kara) trong Không Thủ Đạo – Karate Do.”

As a mirror's polished surface reflects whatever stands before it and a quiet valley carries even the small sounds so must the student of karate render his mind empty of selfishness and wickedness in an effort to react appropriately to anything he might encounter. This is the meaning of kara in karate..." Funakoshi, Gichin"

LỚP CƯƠNG NHU KARATEDO ĐẦU TIÊN Ở MỸ

Lớp Cương Nhu đầu tiên ở Mỹ. (1971)
Từ trái qua phải
Hàng đầu, ngồi: Hoàng Thống Lập, Mary Davis, Allen Johnson, Phil Morgan, Henry Chiu, Frank VanEssen. quên tên.
Hàng hai: Không nhớ tên người mắc áo đen, anh ta chỉ tập vài tháng, Lê Trọng Hiếu, James Barkley, quên tên, Captain Henry (ông này lúc này là Đại Úy Giải Ngũ nên ai cũng kêu là Captain ..., quên tên. quên tên người tóc dài.
Hàng đứng; Thầy Ngô Đồng, ... Hamilton, Freddie Johnson, Bobby Ing, quên tên, quên tên, Eddie Yang, Harvey Cromroy, John Benson. quên tên ...
(mấy người quên tên vì họ ngưng học sớm. Các người học lâu thì nhớ tên)

VỚP VÕ CƯƠNG NHU KARATEDO ĐẦU TIÊN Ở HẢI NGOẠI .

Lớp võ Cương Nhu Karate đầu tiên ở hải ngoại.

Lớp võ Cương Nhu Karate đầu tiên ở hải ngoại bắt đầu vào khóa học mùa thu, tháng 9 năm 1971, trong khuôn viên trường đại học University of Florida (UF), thành phố Gainesville, tiểu bang Florida, nước Mỹ. Thầy Ngô Đồng qua Mỹ với học bỗng USAID, đến Gainesville vào mùa xuân năm 1971 để bắt đầu chương trình PhD. Năm đầu tiên, Thầy ở Cư Xá Sinh Viên Beaty Towers nên mượn nhà ăn của sinh viên làm chỗ dạy võ. Lớp võ mỗi tuần có hai tối, mỗi tối tập một giờ rưởi. Vì nơi tập là nhà ăn của sinh viên nên lớp bắt đầu khá trể, 8 giờ tối mới bắt đầu. Khi sinh viên ăn tối xong, “cafeteria” đóng cửa thì chúng tôi đến sớm vài phút, xếp bàn ghế vào góc. Sau buổi tập, lại xếp bàn ghế và dọn dẹp lại như cũ cho cư xá. 

Lớp võ đầu tiên này có chừng hai mươi võ sinh (xem hình đính kèm). Đa số là các bạn học cùng lớp với Thầy. Trong số các võ sinh này, có hai người dạy Thầy là Giáo Sư Harvey Cromroy và Giáo Sư Freddie Johnson. Cô Mary Davis khi đó là Thư Ký của Khoa, sau này Cô mở võ đường ở Atlanta và trở thành một trong những rường cột của Cuơng Nhu. Lớp này có hai người Việt là tôi (Hoàng Thống Lập) và anh bạn tôi, Lê Trọng Hiếu. Tôi và Hiếu đều từ Huế sang du học ngành Kỹ Sư Công Chánh ở UF . Chúng tôi đã nghe tiếng Thầy khi còn ở Huế vì có vài bạn là học trò Cuong Nhu của Thầy ở Huế. Tôi lại là học trò Việt Văn của vợ Thầy, cô Tôn Nữ Thanh Châu, vào niên khóa 1961-62, lúc tôi học lớp đệ lục trường trung học Nguyễn Tri Phương. Lớp võ CN đầu tiên này có một thiếu nhi Allen Johnson, con của Freddie. Cả hai cha con đều lên đai đen năm 1974. Theo luật lệ của trường, chúng tôi ghi danh là Cuong Nhu Karate Club, do Dr. Harvey Cromroy làm Giáo Sư Cố Vấn, đứng tên bảo trợ. Ông Cromroy lúc đó đã là Giáo Sư lâu năm, nỗi danh về các nghiên cứu trong ngành Côn Trùng Học, và là người dịch các điều tâm niệm CN ra tiếng Anh. Ông dịch rât hay nên đến nay bản dich đầu tiên này vẫn còn dùng. 

Thầy Ngô Đồng là người rất năng động. Trong mấy tháng đầu, Thầy và tôi đi biểu diễn nhiều nơi trong trường. Tôi trở thành Uke (phụ tá ?) của Thầy vì lúc đó tôi đã học Judo được mấy năm, các đòn té, bay, nhảy khá tốt. Chúng tôi mượn máy ditto, loại máy in thông dụng hồi đó có chữ màu tím, tự vẽ, tự in ra các tờ flyers (tờ bướm ?) đi dán khắp trường để quảng cáo cho lớp học. Lúc đầu Thầy ngại người Mỹ đọc chữ Cuong Nhu không được nên dùng chữ Aiki Karate, nhưng võ sinh Mỹ lại thích Cuong Nhu hơn nên giữ lại Cuong Nhu Karate ( Mỹ họ đọc là Kung Nu…). Lớp sau đó, có một người học trò Mỹ ngành Mỹ Thuật, anh ta sắp xếp và vẽ lại tờ bướm này rất đẹp, Thầy rất ngạc nhiên và hài lòng. Khi in ra, ai thấy cũng khen đẹp, rât tiếc là tôi không giữ lại tờ nào.

Thời gian đâu tiên, tôi giúp Thầy trong việc dịch các từ võ thuật từ tiếng Nhật và tiếng Việt ra tiếng Anh. Thầy học Karate và Jujitsu với Võ Sư Choji Suzuki nên biết tên các thế võ qua tiếng Nhật, nhưng Thầy không muốn dùng từ Nhật hay Việt cho các thế võ, mà muốn dùng toàn tiếng Anh khi dạy ở Mỹ. Chỉ trừ các chữ Nghiêm, Nghỉ, Chào, Một, Hai là giữ lại tiếng Việt, và các chữ này đã trở thành truyền thống cho đến bây giò, các võ sư người Mỹ, Pháp, Đức cùng đang dung, còn tất cả đều dùng tiếng Anh. Tham chiếu nhiều sách võ, dịch các từ Nhật thì không khó nhưng đến các từ võ Việt Nam cổ truyền như Đỡ Đẽo, Đỡ Gọt theo cách Công Thủ Hợp Nhất thì hơi bí nên chúng tôi dịch tạm là “punching blocks”. Hâu hết các từ dịch ra tiếng Anh hồi đó bây giờ vẫn còn dùng ở Mỹ. Sau này, khoảng 1980-81 khi tôi và Thầy cùng viết cuốn “ Cuong Nhu Instruction Manual” (Cẩm Nang Dạy Cuong Nhu) đầu tiên thì có hiệu đính lại.

Tôi làm việc dịch thuật này với Thầy rất tâm đầu hợp ý. Chúng tôi đều có đầu óc tiến bộ, cởi mở, thực dụng và phá chấp nên rất dễ làm việc chung. Trước đó, Thầy đã biên soạn và xuất bản cuốn “Thành Ngữ tiếng Anh” nên Anh Văn của Thầy lúc đó khá giỏi. Riêng tôi, sau sáu tháng học chuyên Anh Văn ở California, lúc đó tôi học năm thứ ba ở UF, tôi viết và nói tiếng Anh khá tốt, nên giúp Thầy được nhiều trong việc dịch thuật. Làm dịch thuật hai người nhanh hơn và đỡ sai sót. (còn tiếp)

Ghi chú thêm
1. “Khóa mùa thu” dịch từ “Fall Quarter”. Thông thường các đại học Mỹ học theo lối semester, tức là mỗi năm có hai kỳ, khóa mùa xuân từ tháng 8 đến tháng 12, khóa mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 5. Riêng UF và một số ít trường khác thì một năm có bốn khóa học quarters – Xuân Hạ Thu Đông (Fall, Winter, Spring, Summer). Sinh viên học mỗi năm ba quarters, mỗi khóa học 4-5 lớp, mùa hè đa số đi làm.
2. Trường Đại Học University of Florida (UF) là trường đại học cổ xưa nhất và danh tiếng nhất tiểu bang Florida, được thành lập năm 1853, hiện nay được xếp hạng trong 50 trường hàng đầu của Mỹ. Trường trải rộng trên 2,000 mẫu, có 900 buildings lớn, trên 100 phân khoa cấp bằng cử nhân (Bachelor) và 200 bằng Cao Học (Master), và Tiến Sĩ (PhD). Trường có đủ các loại phân khoa, ngoài các ngành học tổng hợp, kỹ thuật, còn có Nha Y Dược, trường Luật, trường Thương Mại, có nhà thương riêng. Trên 7 ngàn sinh viên sống trong các đại học xá, và trên 1000 sinh viên có gia đình trong khu cư xá riêng. (Ghi chú thêm là khác với Việt Nam, Úc hay Pháp, ở Mỹ muốn thi vào trường Nha, Y, Dược, Luât, Thương Mại, thì phải có bằng Cử Nhân và sau đó học them 2,3,4 năm tùy ngành) 
3. Tôi nghĩ khi dịch tên các trường đại học ở Mỹ, nên để nguyên tên nguyên thủy của trường, thêm chữ “đại học”, nếu cần. Ví dụ, University of Florida, hoặc “Đại Học University of Florida”. Tôi thấy báo chí trong nước có người dịch “University of California, Berkeley” ra thành “đại học bang Ca-li-Phọt–Ni-a”, vừa tức cười, lại thêm chữ “Bang” không đúng, dễ lầm, ở Mỹ đọc vậy không biết là trường nào. Califonia có nhiều hệ thống đại học, hệ thống thứ nhất là University of California gồm có 10 trường, trong đó UC Berkeley đứng đầu và là một trong những trường danh tiếng nhất của Mỹ, thường được xếp hạng “Top Ten” trên thế giới. Hệ thống thứ hai là California State University, có 23 trường. Dịch đúng, hay để tên nguyên thủy, thì phân biệt được thật giả. Con cháu các cụ hay mua bằng Mỹ từ các trường “bán bằng” (Mỹ nó gọi là Diploma mills) như Columbia Southern University hay Columbia International University, là những trường dỗm, có tên ná ná giống trường thật (Columbia University). Hay bằng đại học Irvine University (dỗm) nghe có khác gì University of California, Irvine (thật). Có trường lấy tên là “Southern California Institute of Technology”, (dỗm) nhưng dịch ra cũng dễ lầm với “Viện Công Nghệ California – California Institute of Technology (Caltech). CalTech là một trong những đại học đại học danh tiếng nhất của Mỹ. 
4. Khoa Côn Trung Học là tôi dịch từ Department of Entomology. Department này thuộc Viện IFAS (Institute of Food and Agricultural Sciences - Viện Thực Phẩm và Khoa Học Nông Nghiệp). Riêng ngành canh nông thì UF được xếp hàng đầu nước Mỹ (cùng với University of California, Davis). Ảnh hưởng trường rất lớn vì mỗi tỉnh, khắp tiểu bang, đều có các trung tâm của trường để nghiên cứu và cố vấn cho nông dân. UF sở hửu trên 16 ngàn mẫu đất để làm nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp. Tôi dùng chữ nông nghiệp để nói chung chứ mình đến hỏi về chuyện nuôi cá, làm nấm, nuôi bò, v.v… họ đề có chuyên viên hướng dẫn miễn phí. Giáo Sư Freddie Johnson, trong lớp Cương Nhu đầu tiên tại Mỹ và là một trong những đai đen đầu tiên của Cương Nhu, làm Giáo Sư Giám Đốc chương trình này cho toàn tiểu bang, một chức vụ quan trọng và nhiều trách nhiệm.
5. Từ 1960 cho đến 1975, có mấy trường đại học Mỹ, qua cơ quan USAID, có hợp tác với nhiều trường đại học tại miền Nam để đào tạo giáo chức đại học. Ví dụ Michigan State University với trường Quốc Gia Hành Chánh, University of Missouri với trường Kỹ Sư Phú Thọ, UF với trường Đại Học Nông Lâm Súc, v.v... Thầy Ngô Đồng là một trong nhưng người nhận học bỗng này, Thầy đến UF đầu năm 1971, tốt nghiệp PhD về Entomology (Côn Trùng Học) tháng 6 1974. Thầy trở về Huế mấy ngày sau khi dự lễ tốt nghiệp .
6. Tôi biết có nhiều ghi chú ở đây không cần thiết nhưng các anh cứ giữ lấy làm tài liệu, vì đỡ bị lẫn lộn về sau. Thà dư hơn là thiếu.