Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

KÝ ỨC KHÔNG QUÊN


KÝ ỨC KHÔNG QUÊN
Có người nói: “ học mười năm nghỉ một năm ngu lại mười năm”, nay tôi đã nghỉ 40 năm thế mới biết tôi dốt đến cỡ nào. Trên đầu tôi tóc bạc trắng, trí nhớ có khi nhớ, khi quên.
Hôm qua mấy bạn già U70 trên trời rơi xuống thăm nhà tôi, chúng nó chơi khăm bắt tôi mua 1 lít rượu để mời chúng nó uống cùng tôi. Chúng nó bảo:
 “Chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, cuộc chiến cơm áo, gạo tiền, cuộc chiến công danh sự nghiệp.v.v và v.v…. Hôm nay bọn mình còn tồn tại, khỏe cả là những hạt gạo trên sàng còn sót lại, đã xa cách bốn mươi năm mới gặp lại nhau, tại sao chúng ta không mua rượu để uống chúc mừng”
. “ Ừ nhỉ”?! Tôi thấy có lý quá thế là mua luôn 2 lít rượu gạo. Nhà tôi ở Hương Cần đất rộng, vườn cây mùa nào thứ ấy không phải lo, tôi bảo các bạn cứ nhậu thoải mái đi. Thế là một buổi chiều hoành tráng tình nghĩa chất ngất, thơ, ca, đàn, hát vang cả thôn làng, vậy mới biết tình bạn làm cho con người ai cũng trẻ, khỏe ra. Bao nhiêu chuyện cũ, mới tuôn ra hết: đứa thì kể chuyện đời mình vừa khóc, đứa thì tự hào về đời binh nghiệp, đứa thì kể chuyện nhân viên cấp dưới nghịch ngợm, đứa thì nhớ lại mối tình với o Đồng Khánh….  Ôi thôi! Mỗi người một mẩu, chắc phải gặp nhau cả phần đời còn lại mới hết chuyện, bấy nhiêu năm xa cách là bấy nhiêu chuyện. Tôi cao hứng cũng ứng khẩu làm thơ, thơ rằng:
                   Đợi mãi nhà ngươi cũng đến rồi
                   Tha phương cầu thực ở xứ người
                   Xênh xang xe pháo về quê cũ,
                   Ta thấy trong ngươi có dáng người.
                   Ta tủi, ta mừng, ta phận bạc
                   Ngày nay ngồi đợi đóa hoa cười
                   Rượu nồng một chén nghêu ngao hát
                   Hào khí ngấy trời ta đón ngươi.
                                                Khà! Khà! Khà!
Mấy thằng bạn hào khí ngất trời thật, rót rượu dâng tận miệng mời tôi uống, biết tôi là hay võ dốt văn nên trong lúc say say chúng nó nói tại sao cựu học sinh Quốc học mà không viết một bài để đăng lên tập san lưu hậu thế, tôi nửa say, nửa tỉnh ừ ngay, còn nói là chuyện ấy quá dễ. Chúng nó cười vang và bảo đã hứa rồi nghe “thà một trăm lần không hứa, còn hơn một lần lỗi hẹn”.Tiệc xong chúng nó túm rảy tôi để ra về, còn chúc tôi là “Nguyễn huynh bảo trọng” rất chi là Kim Dung, tôi thật sự sung sướng quá. Từ ngày ra khỏi trường Quốc học đến nay mới gặp mặt nhau uống thật nhiều, tình cảm và hoành tráng.
Sáng nay tôi ngủ dậy trễ hơn  mọi ngày, bỗng nghe điện thoại reo, nhấc máy giọng Quý Tri dõng dạc tuyên bố: “Ngày qua ôn dưới làng hứa viết bài rồi nhé”, tôi hoảng hốt chống chế, nhưng không xong rồi có nhân chứng hẳn hoi. Thôi thì cố gắng huy động toàn bộ tài sản, vốn liếng ngôn từ thu lượm được trong hơn bốn mươi năm qua để viết đôi dòng, nếu không mấy thằng ấy mà lẫy, không về thăm và uống rượu với tôi nữa thì thật là gay go, thật khó để tìm những tình cảm bạn bè đã xa nhau bốn mươi năm qua.
Lờ mờ nhớ lại cái tuổi dại khờ của một cậu học trò ở nông thôn cơm đùm gạo bới lên dinh học chữ. Tôi bước vào cổng trường Quốc học có lẽ là người lớn tuổi nhất trong số bạn bè cùng lớp. Năm 1964 ngày tôi đi thi Đệ thất, tối trước ngày thi tôi ngủ với người anh con ông bác ruột là học trò của ba tôi, bỗng súng đạn nổ ầm ầm, cháy cả thôn làng. Anh ấy bị đạn lạc và chết ngay đêm đó, tôi sững sờ không biết gì. Sáng ngày ba tôi nói chiến tranh anh đã chết, thôi con đừng đi thi nữa. Thế là tôi ở nhà cùng làm nghề với ba tôi được ba năm. Những người bạn ở quê tôi họ đã cầm súng, ba tôi hoảng quá cho tôi lên dinh học nghề. Tôi không chịu và nói: “Ba mạ cho con đi học chữ thì con còn đi, không con ở nhà”. Cuối cùng ba mạ tôi đã đồng ý làm giấy thế vì khai sinh trụt tuổi cho tôi để đi học lại. Lên dinh tôi cũng thi vào được trường mà tôi mơ ước, đó là trường Quốc học. Mấy bạn cùng lớp thấy tôi lớn hay nói đùa: “ thằng Nhân có vợ mà còn đi học à?!”. Tôi không quan tâm đến những lời trêu chọc ấy, chỉ biết phải học thế nào cho giỏi để khỏi phải đi lính. Một ngày tôi học bốn trường (trường Quốc học, trường võ buổi trưa, trường Mỹ thuật buổi tối 2, 4, 6, trường Âm nhạc tối 3, 5, 7). Những buổi nào rảnh chui bừa vào trường Nguyễn Du để học chùa, chưa có đêm nào tôi ngủ trước 12 giờ đêm. Lệnh Tổng động viên nên tôi phải khai trụt tuổi một lần nữa, phải bỏ trường Âm nhạc và Mỹ thuật đã học đến năm thứ ba, tôi rất tiếc nhưng phải chuyên về văn hóa để thi Tú tài cho đậu- rớt đi Trung sĩ. Tôi chỉ còn học trường Quốc học và võ thuật. Thật ra tôi học không phải giỏi hơn các bạn của tôi  nhưng vì sợ đi lính đánh nhau chết cho cuộc chiến vô lý này nên phải học ngày, học đêm không có giờ nghỉ. Tôi cũng đậu Tú tài toàn phần, được miễn dịch học vấn, cũng vào được Đại học, tôi mê võ không nghỉ một buổi nào, tôi thi đậu các đẳng cấp: I Đẳng, II Đẳng,… Bạn tôi ở quê nhà tất cả vào quân ngũ, tôi không dám gặp, tụi nó đạn dược, súng ống quấn quanh người, đi nghênh ngang, chơi ngang tàn có vẻ oai lắm. Tôi sợ!.
Văn của tui viết lung tung như vậy đó mà phải viết vì người võ đã hứa là phải làm. Tôi xin nói nhỏ thôi kẻo mấy thằng bạn U70 của tôi mà nghe là không được đâu nhé. Chúng nó lớn tuổi rồi đổ chướng, hay lẫy lắm. Tôi sợ nhất chúng nó không về thăm tôi, uống rượu, nói chuyện tầm phào, đàn, thơ, nhạc, họa đậm tình ngất ngây.
Thời gian qua đi, ngày tháng đi qua, tuổi đời ngắn lại, tất cả rồi sẽ tan vào hư không:
                   Sáu ba có cả vui buồn
                   Tóc xanh đã thấy vấn vương chốn này
                   Gặp nhau nâng chén rượu cay
                   Vòng tay nắm lại mới hay tình người
                   Bây chừ tóc bạc mười mươi
                   Nghĩa tình mới gặp ngậm cười xót xa.
                   Rồi mai cũng cõi ta bà
                   Thương nhau không hết, ghét mà mần chi
                   Bỏ đi tham, hận, sân, si
                   Đường về tịnh độ, chân đi nhẹ nhàng,
                   Nâng ly ở chốn thiên đàng
                   Hồng trần rủ sạch ngập tràn vô không.
Tôi sực nhớ bài thơ của một người bạn là Phương “xích lô” tặng tôi năm 1998:                            Tan
                   Tan theo cơn nắng, hạt sương
                   Tan theo ngày tháng hạt buồn, hạt vui
                   Tan trong ánh mắt, nụ cười
                   Tan trong cát bụi phận người nhỏ nhoi.
Các bạn ơi! Hãy đến với nhau đi, nắm tay nhau đi. Trong những đêm vui này mong bạn bè xích lại, nhìn cho rõ mặt mày xem mất- còn những ai.
 
                                      Hương Cần, 23/10/2013.
 
                                                Văn Nhân