Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

KÍ ỨC NGUYÊN TIÊU HUẾ

KÝ ỨC NGUYÊN TIÊU 
Thừa Thiên Huế vào thập niên 70 của thế kỷ XX xuất hiện ba tay quái kiệt, không biết từ đâu mà họ lại quen biết nhau, nhìn nhau như đã quen nhau từ kiếp trước, có lý do cả ba chung một điểm là đam mê võ thuật và 
họ đụng nhau ở điểm cao của nghệ thuật võ. Chơi với nhau ngày càng gắn bó hơn, có ba cái tên cũng rất “quái chiêu”: THẤT – NHÂN – TÂM.
- Hồ Văn Thất: Võ Ta
- Nguyễn Văn Nhân: Võ Cương Nhu Karate Do
- Hồ Văn Tâm: Võ Ju Do
Thất Nhân Tâm là tổ trọng tài võ vật của Thừa Thiên Huế thế kỷ trước, đã từng chinh chiến khắp mọi nơi. Ngoài ra Thất Nhân Tâm đều biết thi, ca, nhạc, họa, v.v... luôn chơi ngông ngược với đời.
Vào một buổi tối ngày mười bốn tháng Giêng năm Canh Thân (1980) Thất Nhân Tâm đang uống rượu ngắm trăng, tửu nhập ngôn xuất, họ bảo nhau rằng chúng ta là những người lo cho dân, cho nước nên không có điều kiện để hưởng những ngày Tết Nguyên đán thật sự, vì vậy tối rằm tháng Giêng này chúng ta tổ chức ăn Tết Nguyên Tiêu tại đỉnh núi Ngự Bình. Hồ Văn Thất nói: “Trước khi lên núi phải tắm rửa, tẩy trần”. Đúng 16 giờ ngày rằm tháng Giêng năm Canh Thân (1980) cả ba hẹn nhau trước bia trường Quốc Học Huế để tắm sông Hương tẩy trần rồi lên đỉnh núi Ngự Bình uống rượu thưởng trăng Nguyên Tiêu đầu năm, đúng nghĩa của “Tết Nguyên Tiêu”. Trăng thanh gió mát, rượu thơ ca tuôn trào, làm cho núi rừng cũng nghiêng ngửa say theo. Nguyễn Văn Nhân mới hứng khởi sáng tác một bài hát Nguyên Tiêu Ca:

“Uống, uống ta uống rượu cho thật say
Để ta thấy em như mặt trời phương Tây
Uống, uống ta uống rượu cho thật say
Để em thấy ta như mắt trời phương Đông ...”
Thất Nhân Tâm còn bàn tính với nhau về ước mơ cho Nguyên Tiêu những năm tới là phải thông báo thêm cho các võ sư, giới văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế lên núi Ngự Bình để chơi Tết Nguyên Tiêu, chắc sẽ có những cặp tình nhân hò hẹn lên đây, những thiên tình ca cũng xuất hiện từ nơi đây. Ước mơ tuy nhỏ bé của Thất Nhân Tâm nhưng cũng khó thực hiện, trong giai đoạn đó đất nước rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lấy đâu ra những con người tâm đắc để hưởng lạc chốn bồng phiêu. Dầu vậy, Thất Nhân Tâm cũng đặt ra luật chơi của Nguyên Tiêu: rượu phải nâng ngang mày, nhìn chị Hằng để uống, giao tiếp chỉ có luận bàn về võ, thơ, ca, nhạc, họa, v.v... thoát tục.
Ánh trăng tròn trên không gian vô tận, giữa núi rừng bao la, xa xa là ánh đèn thành phố Huế lấp lánh sáng lên một vùng trời bình yên, minh chứng cho một cái Tết Nguyên Tiêu trọn vẹn.
Đến 5 giờ sáng trăng đã nghiêng hẳn về phía Tây, nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu và Thất Nhân Tâm mới xuống núi. Thế là Tết Nguyên Tiêu của Thừa Thiên Huế xuất hiện từ đó.
Ngày rằm tháng Giêng năm Tân Dậu (1981) lại có thêm một số bằng hữu, đặc biệt hơn có 3 thành viên nữ: Thảo, Như, Quỳnh cùng lên núi thưởng ngoạn Nguyên Tiêu thật là vui. Âm dương giao hòa, không khí trời đất trở nên trong sáng, mát mẻ và vô thường, tất cả đều hát lên bài Nguyên Tiêu Ca mọi người như lạc vào cõi tiên, Hồ Văn Tâm hát vang:

“Tay tiên nâng chén rượu đào,
Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say
Là say đi tìm, tìm em, em ở nơi đâu,
Chim bay biển Bắc anh tìm biển Nam,...”
Những tình nghĩa những chiêu thức võ, thơ, ca, nhạc, họa của chốn bồng lai bắt đầu xuất hiện đưa con người vào cõi thần tiên thật dịu dàng và thánh thiện. Ai ai cũng gần như gác bỏ mọi phiền muộn tục lụy của chốn hồng trần, mọi người bị níu chân ở lại không ai muốn hạ sơn. Như cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Văn Phương tối hôm đó
“Nguyên tiêu lên núi Ngự Bình,
Nghe nghĩa hóa rượu, nghe tình hóa men”.
Một cuộc chơi đủ đầy ý nghĩa, đậm đà tình người, bản sắc văn hóa Huế xuất hiện thật rõ ràng.
Ngày rằm tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1982) tiếng lành đồn xa, không ai bảo ai, không khí cảnh sắc mùa xuân, lòng người rộn ràng, đêm Nguyên Tiêu trăng sáng, đến hẹn lại lên, tất cả các võ sư của các môn phái võ ở Huế gần như có mặt đầy đủ, giới văn nghệ sỹ cũ mới của Cố đô cũng tham gia tích cực không kém. Mỗi người một vẻ, mỗi người một nét đóng góp những tiết mục thơ nhạc thật tuyệt vời. Cũng mở đầu bài “Nguyên Tiêu Ca”, nhà văn Nguyễn Quang Hà với bài thơ “Chiếc răng khểnh”, rồi những ca khúc hát về rượu:

“Rượu nồng ta uống,
Uống say một đêm ngất ngây
Thả hồn theo gió heo may
... Rượu nồng ta uống,
Uống say để nghe gió phai tình người thương quá đi thôi ...”
Võ Sư Lê Huy Chương giọng khẩu khí ngâm bài “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trác:

“Hồ Trường ta biết rót về đâu ...
Ai là người tri kỷ lại cùng ta cạn một hồ trường”.
Tất cả tham gia hào hứng, nhiều đóng góp ý nghĩa:

“Sông Hương, núi Ngự, Thiên Thai ấy
Thơ uống hồn say chốn vô thường”.
Tất cả lâng lâng trong thơ say cho đến khi tỉnh lại thì đỉnh đầu núi Ngự Bình đã thấy ánh hào dương, để lại trong lòng mọi người một đêm Nguyên Tiêu Huế không bao giờ quên.
Từ Nguyên Tiêu năm 1983 – 1984 và những năm về sau, Tết Nguyên Tiêu đã tổ chức 3 đêm liên tiếp mười bốn, rằm, mười sáu tháng Giêng. Số lượng người tham gia ngày càng đông có khi cao điểm lên đến vài chục nghìn người làm cho Núi Ngự Bình bất kham không còn chỗ. Người tham gia Tết Nguyên Tiêu phải tự tìm những địa điểm mới: núi Bân, Thiên Thai, Thiên An, đồi Vọng Cảnh, v.v... tổ chức về tận núi rừng của các huyện. Du khách những tỉnh khác vào những đêm Nguyên Tiêu cũng kéo nhau về với Huế để tham dự.
Huế rộn ràng một nét xuân mới chưa từng có, chúng ta mong rằng Nguyên Tiêu Huế luôn ở trong lòng người dân Huế mãi mãi.

Văn Nhân 

                                                                      THẤT NHÂN TÂM