Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

ĐẠO TRONG VÕ HỌC CƯƠNG NHU KARATEDO

Đạo Trong Võ Học - CƯƠNG NHU KARATE 
Học Võ
Những năm đầu thập niên 60 ,lúc đó tôi học lớp đệ thất trường Quốc Học Huế, chiều nào đi học về cũng ghé vào Trung Tâm Huấn Luyện Cương Nhu Karate ngồi xem các sư huynh ,sư muội múa máy tay chân ,thích quá ngồi xem nữa tiếng mới về nhà ,bởi rứa đi học luôn về muộn bị ba mạ hạch hỏi mới nói thật là đi xem đấu võ ,tưởng bi dần cho một trân nào ngờ ba không dần mà còn cho đi học, vui quá là vui , ngày mai đi học về vào xin Thầy ghi tên học ,Thầy Đồng đồng ý ,khi tôi mới bước vào võ đường Cương Nhu Karate ở giảng đường B Luật Khoa trên đường Duy Tân-Huế ,gần Cầu Trường Tiền tôi rất hồi hộp, lo ngại vì không biết mình có đủ khả năng tập luyện hay không. Hồi đó tôi chưa đủ 40 kí lô, lại ốm yếu, trong khi thấy các sư huynh, sư muội luyên tập đấm đá bao cát ầm ầm , nên hơi hoảng,hơi lo.
Nhưng đồng thời tôi lại thấy kích thích, hào hứng vì nhìn những đàn anh bay trên người đá bay vào bao cát rầm rầm trông rất đẹp mắt, nhào qua, lộn lại trên “tapi” , té đằng trước, ngã đằng sau, té sấp, quăng ,ném vất ầm ầm không sao cả trông rất tuyệt.
Vào tập những buổi đầu tiên Thầy phổ biến 8 điều Nôi Quy và 8 điều Tâm Niệm sau đó bắt đầu tập luyện, Khởi động 15 phúc, rồi xuống tấn vuông đấm liên tiếp,chặt xéo, đá trước,rồi đi quyền, dần dần cũng qua , tôi đã mê man với các Bài Quyền ,thế tập đấm, chặt, đá, té ,quăng vất ,các đòn tư vệ , và thấy rằng võ CƯƠNG NHU KARATE thật tuyệt vời! , để sau đó hào hứng ghi tên đi học luôn JUDO ngay sát bên võ đường ,Như vậy là tuần học 6 buổi,chiều 2,4,6 học Cương Nhu Karate, chiều 3,5,7 học Judo Bạch Đằng Võ Sư Nho Huấn luyện, học thêm nhào lộn , vật,các đòn tay ,chân ,hông ,vai ,các đòn khoá, đòn hy sinh, rồi bay qua 5,7 người nhào lộn rất nhẹ nhàng như con mèo thật là tuyệt , nhưng tâp xong mệt nhừ cả người,mấy ngày đầu rã rời chân tay bỏ ăn nhưng vì quá thích rồi cũng vượt qua Tôi bắt đầu say mê học võ từ lúc nào mà quên cả học chữ ,không thuộc bài ăn hột vịt, bị mạ đánh cho nhừ tử, đốt cả quần áo võ sinh.
Đi học không có đồ võ sợ bị phạt hít đất tôi phải mượn quần áo của bạn để mặc, xin tiền chị Hai để đóng tiền học. Đau khổ nhất là tôi quên cả học chữ, nên thi Tú Tài rớt , phải học lại một năm., bị mạ đánh đòn, các anh chị la, tôi buồn quá,Chán quá tính tự tử luôn cho rảnh nợ.
Tôi đi lang thang tới cầu Trường Tiền ngồi khóc một hồi, leo lên thành cầu toan nhẩy xuống, nhưng chợt trong đầu tôi nhớ lại lời thầy Ngô Đồng dặn đi dặn lại: “Thắng không kiêu, bại không nản”. Tỉnh trí lại, tôi tà tà leo xuống, Từ đó tập trung vào việc học,học ngày học đêm,nghiến răng học như điên, và kỳ thi thứ hai, đậu rất cao. Bây chừ nghĩ lại, mới nghiệm thấy trong võ học có Đạo, và điểm đầu tiên về Đạo trong võ học là “Thắng không kiêu, bại không nản.” Đó là một Đạo trong võ học. Đạo đã thấm nhuần trong tôi từ đó tôi quyết tâm đeo đuổi Võ đạo .Nhờ cố gắng luyện tập ,học ở võ đường rồi về nhà tối nào học bài xong cũng dành 30 phút luyện tập cộng thêm có chút năng khiếu võ học nên năm 70-71 Thầy Tổ Chức giải Song đấu (Kumite)tại Trung Tâm Huấn Luyện Cương Nhu Karate tôi đoạt chức Vô Địch Song Đấu được Thầy tặng một bộ đồ võ trắng tinh ,”hồi đó mặc đồ võ may bằng bao bột mỳ vàng úa”rất vinh dự, và tự hào Từ đó Võ Đạo đã gắng liền vời đời tôi .
Dạy Võ
Thời gian cứ như rứa trôi qua, tôi thi lên huyền đai nhất đẳng ,không còn học tuần 3 buổi nửa và cũng không còn phài đóng học phí, giờ tuần chỉ học vào sáng Chủ Nhật từ 7g đến 8g lúc này Thầy đi du học Mỹ,Võ Sư VĩnhVi Phụ trách ,trực tiếp huấn luyện, Võ Sư Vĩnh Hưng Phụ tá , dàn huyền đai ,đẳng có bác Say lớn tuổi nhất ,A Các,Chương (Tailor), Tường, Lập ,Biên,Tần ,Chương (Ok), Đinh Sơn Thắng,Thanh (Bến Ngự) Thanh (Honda) Thọ (ruồi},Hiệp,Niệm,Bùi Hoà(Đồng Tân),Nguyễn Ngọc Đổng,Vĩnh Tuy,Hồ Hải , Đạt (Đôn)Chánh(HQ) Đức,Việt,Tranh v..v ..! ôn luyện các bài quyền cấp cao,Chinte,Jite,Unsu,Basai, Kanku ,Mai Hoa,Liên Hoa,Thái cực,Bát bộ,Hầu quyền,Hổ quyền,Xà quyền,Hạt quyền…v..v…. ..!Song Đấu tư do không giáp,không nón bảo hộ ,không găng, chỉ có đeo kuki, đôi lúc va chạm sưng tay trật chân,bể kuki ,chảy máu mũi là thường chả có chi cả ,Tập xong kéo nhau đi uống café chi Lợi ở đường Lê Đình Dương gần võ đường,có khi kéo nhau qua Dạ Thảo đường Chi Lăng rất đầm ấm,vui vẽ và thân thiện, Chiều tôi còn đi Huấn Luyện thêm các chi nhánh !1)Trường TH Tín Đức –Tây Linh- Huế vào thứ 2-4-6 , 2) Giòng Chúa cứu Thế -Quân 3-Huế thứ 3-5-7 lần đầu tiên đứng dạy riêng 1 lớp ,cảm giác cũng bồn chồn ,lo ngại nhưng vì đã được Thầy trang bị Võ Đạo đầy đủ nên dần dần cũng quen đi ,và được nhận phong bì thù lao hằng tháng từ tiền dạy võ ,tuy không là bao nhưng bằng khả năng của mình ,cũng tràn đầy ý nghĩa cứ thế êm đềm trôi qua cho đến năm 1975 chấm hết.Võ đường không còn Sư Huynh Đệ mỗi người một nơi.một ngã. Sau đó tôi Giã từ Huế thân yêu, giã từ Sư Huynh Đệ, Đồng môn Quốc Học-Đồng Khánh một thời để yêu một thời để nhớ ,lang thang vào Nam lập nghiệp” đem" chuôn đi đánh xứ người” “Võ “ tưởng chừng như đã chôn vùi theo năm tháng ,nhưng không nó vẫn đeo đuổi theo,như hình với bóng, hình như là nó thấm vào trong máu tự lúc nào , không tài nào bỏ được ,tuy cuộc sống lúc đó muôn vàn khó khăn,gian khổ ,cơm không đủ ăn lấy chi mà học võ,dạy võ,nhưng vì đam mê nên vẫn kiên trì,cố gắng dạy cho bằng được , chắc là cái ‘Nghiệp Võ” lúc đầu dạy cho con cháu ,rồi thì hàn xóm láng giềng 1 vài 3 em quá thích,rồi dạy từng nhóm ,”dạy chui” vì lúc đó phong trào võ thuật rất hạn chế ,cho đến thập niên 80 thời kỳ Việt Nam Hội Nhập ,phong trào KARATE DO 
mới được Phép giảng dạy công khai và đưa vào thi đấu các cấp địa phương,Huyện ,Tỉnh,Thành Phố,Toàn Quốc , Niềm vui cho thầy lẩn trò ,đây là cơ hội cho quý thầy được cấp phép Giảng dạy các CLB võ thuật.
Tháng 7 năm 1989 Liên Đoàn Karatedo Nhật Bản đã cử Thầy Yamamura chuyên gia truyền bá phát triển Karatedo Châu Á của Liên Đoàn JKF và Trọng Tài Thế giới WKF sang giảng dạy cho các võ Sư HLV,VDV việt Nam, đây là mốc đánh dấu lần đầu tiên Karatedo Việt Nam tiếp xúc với Karate Quốc Tế.
Cũng thời gian này Liên Đoàn Karatedo Lâm Thời Việt Nam được Thành Lập,Từ đó tôi được dạy học trò công khai ,lớp này lớp nọ ,đây là dịp để “văn ôn võ luyện” , Truyền bá võ thuật Cương Nhu Karate ,đào tạo các học trò nối nghiệp ,các VDV tài năng trẻ đi thi đấu các giải KATA-KUMITE Tỉnh-Thành Phố -Quốc Gia-Làm trọng tài cấp Tỉnh,Thành Phố, cấp Quốc Gia ,vui có, buồn có, sướng có khổ có, thầy trò lúc đó miệt mài luyện tập, nói chung vì quá đam mê Võ, cũng có lúc thi đấu vì danh dự môn phái phải đổ máu để dành huy chương Song Đấu(Kumite),Phải tranh cải nhau để dành quyền lợi cho học trò vì bị xữ ép,hồi hộp căng thẳng khi trò vào chung kết, mừng chảy cả nước mắt khi trò chiến thắng , đó là niềm vui chiến thắng của trò mà thầy thì được tiếng ,nhưng không vì thế mà vênh váo,hênh hoang,vì trong thâm tâm vẫn không bao giờ quên câu Thầy Đồng dặn đi dặn lạị “Thắng không kiêu bại không nản” đó là một Đạo trong võ học.

Đạo Trong Võ – CƯƠNG NHU KARATE (tiếp theo)
Nói về Đạo trong võ học, là nói về Đường lối, là Chân lý, là Giáo Dục. Võ học thì cho dù là Môn phái nào đi nữa võ Cổ Truyền ,Cương Nhu Karate , Vovinam, võ Judo , võ Wushu, Đại Hàn Taekwondo ,Pencak Silat,Quyền Anh, hay bất cứ môn phái của dân tộc nào cũng có Đạo. Nói chung, Võ Học có năm Đạo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
1. Chữ Nhân
“Nhân” có nghĩa là lòng thương người, trên căn bản Nhân đạo. Võ học Cuong Nhu Karate luôn dạy người phải có lòng Nhân. Học võ không phải để hại người, để khoe tài, để kiêu căng, chà đạp người khác, mà học võ là để vừa Tự vệ vừa để bảo vệ người yếu đuối.
Nếu lần giở lại lịch sử trên 4000 năm văn hiến của nước Việt, từ khi lập quốc đến nay, đến thời đại chúng ta, từ Nam, qua Trung, ra Bắc, chưa hề bao giờ nghe nói đến có những môn võ nào dạy đệ tử đi làm hại người cả. Ngược lại, chỉ thấy những môn võ rèn luyện môn sinh để tư vệ rèn luyên sức khoẻ, bảo vệ người cô thế. Đến khi những môn võ nước ngoài du nhập vào đất nước ta, cũng chỉ nghe nói đến chữ “Nhân” trong võ học. Các đòn thế đấm, đá,Chặt, vật, xiết cổ, đè, ném đều hạn chế người xử dụng tới một điểm nào đó. Những cú đánh kết liễu chỉ được dành cho các môn sinh ở trình độ cao, có thể tự điều khiển được mình rồi, mới được học cách xử dụng, với lời căn dặn của thầy là “chỉ khi nào nguy cấp, không còn cách tự vệ nào khác, mới được áp dụng đòn hiểm để thoát thân.”
2. Chữ Nghĩa
Một khi nói đến chữ “Nghĩa”, người ta thường nghĩ ngay đến “Nghĩa hiệp” và “hành hiệp trượng nghĩa”. Mà muốn hành hiệp trượng nghĩa, cứu khổn phò nguy, thì phải biết võ nghệ. Do đó, võ học Cương Nhu Karate phải đi liền với “nghĩa”. Người học võ thường thích ra tay nghĩa hiệp. Giữa đường thấy chuyện bất bằng là phải ra tay cứu giúp ngay. Nghĩa còn dậy chúng ta phải biết trả ơn một khi đã nhận ơn. Người học võ thường không bao giờ muốn nợ ai mà không trả. Nhất là nghĩa Thầy, nghĩa Sư Phụ, Đệ Tử. Học chữ có thể quên Thầy, nhưng học võ thì không bao giờ có thể không nhớ ơn Thầy đã nắm tay, cầm chân, chỉ cho một thế đá, thế đấm,nhào lộn,té.quật….! không thể quên lời Thầy dặn dò, chỉ bảo, hoặc gắt mắng chỉ vì lo cho võ sinh mau tiến bộ, mà lại không gây thương tích cho chính mình hoặc cho người khác.
3. Chữ Lễ
Lễ là hình thức cư xử giữa môn sinh và Thầy , giữa các môn sinh với nhau, giữa môn sinh của môn phái này và môn phái khác. Lễ được thể hiện ngay ở cách chào kính, trước khi bước vào võ đường , ra sàn đấu chào nhau. Tùy theo môn phái, mà cách chào kính khác nhau, thường thì bái Tổ sư, kính Thầy, chào đồng môn, có môn phái chào cả khán giả, có môn phái lại chào cả nơi chốn mà mình tập luyện, song đấu nữa.Riêng Môn phái Cương Nhu Karate nghi thức chào hai tay bắt chéo vào nhau để trước ngực ,tay phải ngoài rồi cúi xuống chào, bước vào võ đường,lúc đi quyền,song đấu ,ngoài đời cũng vậy chỉ cần bắt chéo hai tay là biết đồng môn rồi .Trong môn phái Nhu Đạo, khi thi lên đẳng cấp đai đen, ngoài thi song đấu, thi kỹ thuật còn thi Lễ nữa. Các võ sinh đai đen phải di chuyển từng bước chân, từng cử động thật chậm đúng Lễ Nghi, đúng phong thái mới được trao bằng. Chữ Lễ trong võ học Cuong Nhu karate còn dậy các môn sinh quy củ trường tập, kính trên nhường dưới. Lễ dậy cách bảo vệ danh dự của Môn phái, bảo vệ danh dự cho nhau. Người đã tập võ Cuong Nhu Karate càng ngày càng cung kính, nhún nhường, không cao ngạo, không tự phụ, khoe khoang, không biểu diễn võ công khi không cần thiết. Chữ “Lễ” trong Võ học được trọng kính và áp dụng hơn rất nhiều hơn chữ lễ trong khi học chữ. Người Thầy trong Võ học khi xưa còn có quyền sinh sát với võ sinh hơn cả cha mẹ nữa cũng chỉ vì chữ “Lễ”.
4. Chữ Trí
Người học võ nhất định phải học những cách phản công, xử thế trong các trường hợp ngặt nghèo. Môn võ nào cũng dậy cách biến hóa, phản đòn, nghĩa là dậy các môn sinh dùng Trí tuệ đi kèm theo Võ thuật. Không có Trí, võ chỉ là những đòn hùng hục như trâu, gặp đối thủ lanh lợi thì nhừ đòn”Hữu dõng vô mưu”. Trí trong môn võ Cương Nhu không phải là lường gạt, mưu mô, mặc dù có đòn hư, đòn giả. Người võ sinh chính nhân quân tử chỉ dùng Trí để không cho địch thủ biết mình định xữ dụng đòn nào thật, đòn nào giả. Những cạm bẫy để lừa gạt người không phải là Trí mà chỉ là phương pháp tiểu nhân mà thôi. Ngoài ra, môn võ Cương Nhu Karate cũng dạy võ sinh phải biết suy nghĩ để cho võ thuật được xử dụng đúng lúc và đúng cách hầu đúng với câu “Một trí tuệ minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.
5. Chữ Tín
Không cần phải giải thích nhiều, ai cũng hiểu, người học võ Cương Nhu Karate luôn biết giữ chữ Tín của người Anh Hùng, đã nói là làm, đã hứa là phải giữ lời. Người có chữ Tín thà chết không để cho danh dự bị xúc phạm vì nói mà không giữ lời. Trong chiến tranh, đã biết bao võ sinh hy sinh thân mình chỉ vì một chữ Tín với Giang Sơn, Tổ Quốc.
Tóm lại, nói đến Võ Học là nói đến Đạo, đến Lễ Nghĩa, Trung Tín, đến Danh Dự, đến lòng Nhân Từ và Trí Tuệ. Võ học không chỉ là tay đấm, chân đá, quật, vật, ném, tung mà là cả một hệ thống Đạo trầm ẩn, thâm sâu. Người học võ Cuong Nhu Karate thâm thúy cũng như người tu đạo. Cho nên, khi nhìn một vị Tổ Sư thật sự, chúng ta tự nhiên thấy kính nể, vì những ưu trầm của Đạo đã thể hiện lên khuôn mặt của thầy cũng như một vị tu hành đã thành chánh quả. Không khắc khổ, cau có, không giận bùng, không buồn bã, rất vui vẽ.tế nhị . Chỉ cất tiếng Sư Tử rống ‘KIAI” để áp đảo địch thủ, chứ không nổi giận gào thét bất thường. Chỉ ra tay vũ bão để giảm nhẹ đau thương, chứ không biểu diễn, ham dọa người cô thế. Võ học cao quý như thế nên Môn Phái Cương Nhu Karate càng ngày phát triển mạnh trền trường Quốc Tế./.
Võ Sư TRẦN VĂN VINH