Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ


ĐÔI DÒNG TÂM SỰ CỦA PHỤ HUYNH
Ngày 20/11/2012 tôi là phụ huynh ghé thăm nhà võ sư Nguyễn Văn Nhân được thầy Nhân tiếp đãi thân mật như anh em trong nhà. Cách đây 4 năm (2008) từ ngày con tôi thi lên đai đen cho đến bây giờ cháu vẫn theo học với thầy, cháu đã trưởng thành về mặt đạo đức, nhân cách và võ thuật. Từ dạo ấy đến nay tôi cứ băn khoăn mãi bởi lá thư khiếu nại của tôi về trường hợp thi rớt đai đen của con tôi, không biết mình làm điều này có quá lắm hay không, tôi nhớ rất rõ lá thư đươc viết như sau:
THƯ KHIẾU NẠI
Kính gởi: - Hội đồng môn phái Cương Nhu Karate Do Thừa Thiên Huế
- Hội đồng giám khảo môn phái Cương Nhu Karate Do
- Thầy Nguyễn Văn Nhân
Tôi tên là: Lê Hiệp Hoàng
Ở tại: Thôn Tiền Thành, xã Hương Phong, Huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, là phụ huynh của võ sinh Lê Văn Tường.
Qua kỳ thi lên huyền đai tại võ đường Hương Cần con tôi đã không lên được huyền đai. Cháu về nhà không ăn uống, nằm dài và rất buồn. Thấy con như vậy tôi hỏi “Tại sao con nằm mãi thế, dậy ăn cơm đi”. Cháu không nói gì suốt một tuần cháu cứ buồn buồn. Vì thương con tôi phải dò hỏi các bạn của cháu mới biết lý do đợt thi lên huyền đai cháu bị rớt. Vì vậy tôi viết đơn này kính trình lên quý hội đồng và quý thầy xem xét lại trường hợp của con tôi và cho gia đình được rõ lý do vì sao con tôi thi rớt.
Cuối cùng kính mong quý thầy, vì tương lai của con em hãy trả lời sớm cho gia đình được biết. Kính chúc quý thầy sức khỏe.
Hương Phong, ngày 02 tháng 12 năm 2008
Phụ huynh kính đơn
Lê Hiệp Hoàng
Vào một đêm mưa rất to, nước dâng ngập đường đi, cả nhà đang ngồi động viên cháu thì thầy Nhân đã lội lõm bõm trước cửa nhà tôi. Gia đình tôi ngạc nhiên vô cùng trước sự xuất hiện của thầy Nhân. Tôi mời thầy vào nhà, thầy đã đưa ra tờ phúc đáp và biên bản chấm thi của Hội đồng giám khảo ngày hôm đó, thầy đọc to, rõ, phân tích cho cả nhà nghe. Xong thầy đã động viên Tường: “Con yếu phần quyền, con cố gắng mỗi sáng dậy sớm để tập nhiều vào, giờ tập ở võ đường thầy sẽ giúp con để sáu tháng sau con thi lại” và thầy nói tiếp: “Học võ như con thuyền đi ngược nước, hôm nay chưa thuận buồm xuôi gió thuyền của mình chưa trang bị đầy đủ, mình phải lùi một bước. Ngày mai thuyền mình trang bị đầy đủ, gặp thuận buồn xuôi gió mình sẽ tiến lên hai, ba bước, mình sẽ đuổi kịp các bạn, nếu kiên trì cố gắng có khi hơn”. Tôi đã ghi nhận và dùng lời nói của thầy Nhân để không buồn cho những thất bại của mình trong quá khứ và rất nhiều lời của thầy nói ngày hôm đó tôi ghi nhớ mãi.
Hôm nay tại nhà thầy được thầy tiếp rất thân mật tôi tâm sự:
- Thưa thầy! Lá thư khiếu nại của em cách đây bốn năm có làm thầy phiền lòng không?
Thầy nói:
- Ồ! Không, không bao giờ. Thầy còn cám ơn tôi đã quan tâm đến con em, chính lá thư đó đã thể hiện niền tin yêu của gia đình với võ đường Hương Cần, với môn phai Cương Nhu Karate Do.
Thầy nói tiếp:
- Cái điều trân quý nhất của chữ Đạo trong võ thuật là biết thương yêu và quan tâm lẫn nhau, lá thư đã cho thấy tính kết hợp giữa gia đình và võ đường ngày càng gắn bó hơn. Tôi rất mong có nhiều lá thư như thế để tôi được học thêm về mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, giữa người với người.
Hai chúng tôi tiếp tục nói chuyện và uống trà, cốc trà nóng khói trắng bốc lên quyện vào mái tóc bạc trắng của thầy tạo cho khuôn mặt của thầy một nét hiền hòa và đức độ. Với tuổi của thầy chiều nào thầy cũng lặn lội đi về các phân đường, có nơi xa đến 20- 30 km như ở Hương Phong của tôi. Thật là một người đáng khâm phục và nể trọng.
Tôi sực nhớ và tâm sự tiếp:
- Thưa thầy! Em nghe mấy bác chính quyền địa phương nói rằng dù xa xôi, có những đêm mùa đông mưa gió lạnh buốt thầy vẫn chưa bao giờ trễ và vắng mặt phải không ạ?
Thầy nói:
- Lỗi hẹn với một người là đã quá tồi tệ, huống chi đây là cả một võ đường, một tập thể người, không thể để cho các cháu chờ đợi được. “Thà không hứa một trăm lần, còn hơn một lần lỗi hẹn”. Nhân cách của con người, đạo đức của Karate Do lấy chữ Tín làm đầu mà chữ Tín là lời hứa giữa người với người. Các cháu nó đang nhìn vào cái gương bốn mặt của tôi để nó soi đó anh ạ!
Tôi nhìn vẻ rắn chắc và khuôn mặt cương nghị của thầy tôi lại hỏi:
- Thưa thầy! Còn trường hợp cháu Khoái, con của ông Cấn là một cậu nhóc quậy phá, bia rượu, cờ bạc, lường láo,….bị nhà trường đuổi học năm lên lớp mười. Nghe cháu ấy xin vào học võ, các bác Ủy ban xã đề nghị thầy đuổi “sợ con sâu là rầu trách canh”….
Thầy nói:
- Không riêng gì các anh trong Ủy ban, phụ huynh mà cả võ đường nhớn nháo lên, em huấn luyện viên trưởng sợ mấy uy tín, thanh danh của võ đường môn phái nên cũng đề nghị tôi cho cháu Khoái nghỉ. Tôi xin phép mấy anh trong Ủy ban cho phép tôi dạy cháu từ 3 đến 6 tháng, nếu không được thì cho nghỉ cũng không muộn. Từ khi có cháu Khoái vào học tôi phải vất vả hơn, phải đến trước 15 phút để tâm sự với cháu. Cháu nói với tôi: “Thưa thầy! Con không được mọi người tin yêu”. Chiều nào tôi cũng giao tiếp những mẩu chuyện đời thường giữa thầy và trò, tôi cố gắng tạo cho cháu biết phân biệt phải- trái và thấy được có một người tin yêu cháu đó là tôi. Tôi phát hiện ỏ cháu Khoái là rất thích và mê học võ, có khả năng lý luận. Đó là điều kiện để tôi giúp cháu hoàn lương.
Anh biết không, cháu đã có thành kiến không được ai tin yêu cháu đã tìm đến với mình, mình lại cố tình vất cháu ra chợ đời thì cháu sẽ bị mất phương hướng có thể hư hỏng nặng hơn. Rồi ngày này qua ngày khác cho tới bây giờ hơn sáu năm theo học võ cháu đã trở thành huấn luyện viên tốt lại biết căn dặn đàn em của mình phải sống cho đàng hoàng. Anh là người địa phương anh biết rõ điều ấy mà, cháu Khoái bây giờ đã biết phụ giúp ba mẹ và xa lánh hẳn thói hư tật xấu.
Cuộc trò chuyện kéo dài nhiều mẩu chuyện đời thường giữa thầy- trò, giữa võ đường và xã hội làm thế nào cho các cháu sống yêu thương mọi người và có đạo võ hơn.
Tôi như bị cuốn hút từ chuyện này qua chuyện khác, thời gian đi qua rất nhanh, ngoài trời bắt đầu tối dần và nhìn đồng hồ đã là 18 giờ, tôi vội vàng xin phép thầy ra về. Chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe để còn dạy dỗ, giúp đỡ cho các thế hệ con cháu sau này trở thành người tốt, hoàn thiện, có ích cho gia đình và xã hội. Nhất là lớp thanh thiếu niên bây giờ rất nhiều tệ nạn xã hội rình rập đẩy đưa các cháu đi vào con đường hư hỏng. Nếu địa phương nào cũng có một võ đường Cương Nhu Karate Do như thế thì tốt biết mấy.
Phụ huynh