Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

CÁC VÕ SƯ HẢI NGOẠI PHẦN 1

Hoàng Thống Lập

Giới Thiệu Các Võ Sư Cuong Nhu ở Hải Ngoại.
Tôi cũng định viết giới thiệu các võ sư Cương Nhu ở hải ngoại với các anh. Có nhiều người có những tính cách rất hay, rất đặc biệt, nếu các anh biết thêm về họ thì khi xem hinh hay đọc bài trên facebook, sẽ thích hơn. Mới đầu tôi dự định viết theo đẩng cấp, nhưng chắc không cần, khi nào thấy hình gì hay hay, tôi đem về group CN tiếng Việt, viết thêm để giới thiệu, thì vui hơn. Nhân thấy trên facebook anh Vinh có hình cô này, tôigiới thiệu tiếp nhé.
Đây là cô Kathy Varady, võ sư CN, Hai vợ chồng (chồng là Joe Varady) mở võ đường Satori Dojo, tiểu bang Pennsylvania, Hai vợ chồng đều cao lớn, rất có khiếu võ thuật, các bài song luyện tôi đặt ra, chỉ cho hai vợ chồng, họ đấu với nhau rất đẹp. Trong hình này, Kathy đá bể hai tấm gỗ bằng thế Xà Cước (serpent kick). Thế này đá thẳng về trước (front thrust kick - mae-geri-kekomi) nhưng khác với Shotokan Karate ở chỗ không dùng gót chân mà duỗi cổ chân ra, dùng ngón chân cái điểm huyệt. Khi tập đá xà cước thì người phải ngả ra sau để trách đòn đánh vào mặt, không như các cú đá bình thường. Đá cách này chú trọng chính xác và nhanh. hiểm, không chú trọng khí lực như đá karate. Hình như ảnh chụp khi Kathy thi lên nhị đẳng hay tam đẳng. Dùng ngón chân đá 2 tấm gỗ là tập luyện công phu và giỏi lắm.



Giới Thiệu Các Võ Sư Cuong Nhu ở Hải Ngoại. (tiếp tục)
Nếu Cương Nhu có các võ sư có thể dùng ngón chân công phá bể vài tấm gỗ như trên hình ảnh tôi mới gởi đến các anh, thì cũng có các võ sư đầu tóc nay đã bạc phơ, hay có người bâm sinh đi đứng phải chống gậy. Tôi xin giới thiệu đến các anh võ sư Roy Albang, người sáng lập ra Harmony Dojo, Newport News, tb Virginia, Hoa Kỳ.
VS Roy Albang là Kỹ Sư Hàng Không, làm việc tại trung tâm hàng không (NASA) của Mỹ. Tôi gặp và quen VS Roy cũng hai ba chục năm trước. Cảm tưởng khi thấy Roy đi quyền khi anh ta mới học CN là võ thuật hơi quờ quạng, đấm đá rất yếu. Hỏi ra mới biết anh có vấn đề về xương, đá chỉ đến gối, đấm không thẳng được. Thế mà anh ta chí cốt, cái gì sức làm không được như đá bay, nhào lộn, v.v.. thì trong các kỳ thi, tập thêm các đòn tự vệ và các kata khác để thế vào. Trong tinh thần đó, Roy học từ từ và mấy năm sau, thi đậu đai đen, mở trường dạy CN ở Virginia. Biết mình đá rất dỡ nên mời những Võ Sư khác trong CN cũng như Tae Kwon Do đến dạy thêm cho học trò mình. Với tấm lòng như thế, học trò Roy đều thương mến, sau khi lên đai đen, đều cố gắng ở lại trường huấn luyện cho đàn em.

Hai vợ chồng Roy không con nên chừng 10-12 năm trước, Roy qua Việt Nam để tìm một em bé trong trại mồ côi đem về làm con nuôi. Trước khi đi, Roy có liên lạc tôi và tôi chỉ vẽ thêm vài điều cần biết khi đến VN, cho số điện thoại người bạn tôi ở SG để nếu cần gì thì Roy liên lạc. Khi về lại Mỹ, Roy kể lại là khi đến phi trường TSN thì dịch vụ "Con Nuôi" họ không cho liên lạc với ai cả, cho lên xe đi 10-12 tiếng, đến nhà nuôi trẻ, làm thủ tục, và sau đó lên phi trường về lại Mỹ. Hai vợ chòng rất mừng khi có cháu gái, lúc đó chừng hai tuổi, cháu tên Việt là An Cư, vợ chồng gọi theo tên Mỹ là Ann.
Những người có tấm lòng và sự quyết tâm như Roy là gương sáng cho chúng tôi theo. Đấm vỡ 5 viên gạch, đá bể ba tấm gỗ, so với tâm lòng như thế chẳng có nghĩa lý gì cả, phải không các anh.
Đây là hình Roy chống gậy ra khi được VS Ngô Quỳnh phong lên huyền đai đệ ngũ đẳng. Nếu nhìn kỹ, các anh có thể thấy những nét vui mừng và thán phục lộ trên nét mặt của các đồng môn khi chúc mừng Roy.






Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

KÍNH VIẾNG THÂN MẪU HUYỀN ĐAI TRẦN DUY BẮC

MÔN PHÁI CƯƠNG NHU KARATEDO , VÕ ĐƯỜNG HƯƠNG CẦN VÀ ĐỒNG MÔN Ở HÀ NỘI , ĐÃ KÍNH VIẾNG THÂN MẪU HUYỀN ĐAI TRẦN DUY BẮC .





Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

CƯƠNG NHU KARATEDO NĂM 1975

Sự hoạt động của môn phái Cương nhu karate sau năm 1975 .Sau năm 1975 tất cả các sư và huynh đệ đều mỗi người mỗi nơi do biến cố. Đến năm 1976 mỗi người phải lo về kinh tế và cuộc sống có ai nghĩ đến việc vỡ thuật nếu có võ thì cũng phải dấu ko dám phô trương. Nhưng nó đã in sâu vào máu nên ko thể để mãi trong lòng. Trong cuộc sống đôi khi phải và chạm. Phải dùng vỏ để tự vệ và binh vực lẽ phải. Trong tập thể công nhân thời đó là nhà máy vôi Long thọ có một người đứng ra tập võ cho anh em công nhân với chủ trương là học võ khỏe để sản xuất và lao động. Kể từ đó nên các anh em trong các môn phái khác như taekwondo. Judo. Thiếu lâm..... Tập trung lại với nhau trong đó có anh Nguyen văn Nhân là người đầu tiên xây dựng phong trào day các câu lạc bộ như Cung An định cung Thiếu nhi thành phố. Toàn đã cùng tham gia với anh Nhân để huấn luyện cho các anh em. Sau đó về tại địa phương để sinh hoạt của từng người. Nhưng với sự chỉ đạo và quản lý của Thành đoàn Huế. Trong khi đó anh Vĩnh Vi đã vào Sài gòn và có sinh hoạt ở câu lạc bộ Tao đàn. Lúc này từng địa phương đã sinh hoạt nhưng rất khó khăn như gặp nhiều trường hợp ở địa phương đó không cho day vỡ phải có giấy phép nên cũng gặp nhiều trở ngại.  năm 1975 anh Vĩnh Vi đã giao quyền trưởng môn phái cho anhguyễn Văn Nhân có sự chuyển biến của nền Thể dục thao của toàn quốc. Nhận thấy đất Huế là cái nôi của vỡ thuật mà nhất là bộ môn karate. Nhà nước đã thành lập một đoàn võ thuật karate toàn quốc đến Huế tổ chức một buổi hội thảo một tuần để tham quan các cậu lạc bộ trong tình lúc đó là vấn đang còn tỉnh Bình Tri Thiên. Đoàn gồm có đại diện ba miền nam bắc trung. Trong hình này Toàn xin đưa lên để các sư huynh đệ thấy là anh Nhân đang thuyết minh về các bài quyền của cuong nhu karate. Và sau này Toàn sẽ minh hoạ và biểu diễn các bài kata như bài kankusho và bài empi bài kata sai 1và 2 Kể từ đây phong trào karate tỉnh nhà bắt đầu đi lên và phát triển mạnh. Người trưởng bộ môn đầu tiên là anh Nguyễn Văn Nhân 1975 sau này.ở Huế có các CLB như của anh Trương trọng Toản ở đại nội. Anh Trần văn Toàn ở Bến ngự. Anh Cao Kha ở Phong điên. Anh Nguyen văn Nhân mở thêm Huong cần.... Bộ môn Cương nhu karate phát triển mạnh nhờ có những anh em tâm huyết không nghĩ đến quyền lợi riêng tư cho mình mà nghĩ đến môn phái trước. Tôi xin lượt qua những ngày tháng mà bộ môn có những bước thăng trầm nay đã vững vàng và lớn mạnh. Mong tất cả các sư huynh đệ đoàn kết và chia sẻ những điều vui buồn để cho các con em chúng ta sau này học hỏi và phát triển mạnh


VÕ ĐƯỜNG ANH NHÂN MỞ ĐẬU TIÊN CUNG AN ĐỊNH

                                                           PHONG , NHÂN , ĐÀM ,TOẢN
                                         Ô HOẠT , Ô GIANG , Ô NHÂN , ÔNG TOÀN




Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

CÁC VÕ SINH THIẾU NIÊN Ở TỨ HẢI DOJO

Hình các võ sinh thiếu niên ở Tứ Hải Dojo, Hofstetten (gần Munich), nước Đức mới lên facebook hôm nay khi cô bé mặc áo xanh từ võ đường Arkansas Mỹ qua thăm, tập võ, và chụp hình chung.


Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

VÕ SƯ NGÔ ĐỒNG MỘT NGƯỜI THẦY TÀI HOA

DR. NGÔ ĐỒNG, MỘT NGƯỜI THẦY TẬN TÂM, 
TRUNG TÍN VÀ TÀI HOA

PHẦN I

Những tháng năm ở Hà Nội ( 1937 - 1954 ) 
Ngô Đồng sinh ngày 04 tháng 10 năm 1937 tại Hà Nội, Việt Nam và mất ngày 10 tháng 5 năm 2000 tại Gainesville, Florida, Hoa Kỳ, thọ 64 tuổi.
Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng và giàu có. Thân phụ ông là cụ Ngô Khánh Thực, thân mẫu là bà Phạm Ngọc Vinh. Cụ ông đã từng làm Án Sát tỉnh Hải Dương, nhưng vì tính tình thẳng thắng nên bị giáng chức rồi thuyên chuyển về Hà Nội làm Giám Đốc Tư Pháp Bắc Việt kiêm Chưởng Lý Toà Thượng Thẩm cho đến năm 1954. Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, cụ cùng gia đình di cư vào Nam. Gia đình ông sống tại Huế, thân phụ ông tiếp tục giữ chức Giám Đốc Tư Pháp Trung Phần cho đến khi mất tại Huế năm 1967. Năm 1960, thân mẫu ông qua đời tại Huế.
Ông là người con út trong một gia đình có sáu người con trai. Điểm đặc biệt là cả nhà ông đều mê tập võ thuật, vì thế sau nhà ông ở có một sân dành riêng để tập võ. Còn trong nhà thì có nơi giăng dây để dùng cho việc đấu quyền Anh. Hai người anh lớn đều thuộc nhóm võ sinh đầu tiên của Võ sư Nguyễn Lộc, vị Tổ sư sấng lập môn võ Vovinam ( sau đổi tên là Việt Võ Đạo ). Ông cũng là người theo học môn võ Vovinam, nhưng lại không học với hai người anh ruột mà lại học với người bạn của ông anh thứ hai. Ông Ngô Đồng đã nói với tôi rằng đã là anh em thì trong võ thuật khó dạy cho nhau lắm! Cho nên, ông và người anh kế ( Võ sư Ngô Quyền) mới theo học võ với Võ sư Phan Dương Bình, người học trò thứ 5 của Tổ sư Nguyễn Lộc. Ông cho biết, Vovinam vào những ngày đó chưa có võ phục như bây giờ, các võ sinh khi tập luyện chỉ mặc áo "may-ô " và quần đùi. Cũng chưa có sân tập hẳn hoi. Các võ sinh vật nhau té hay nhào lộn đều trên sân cỏ chẳng có nệm "tapi" như các võ đường sau này. Học xong phần trung cấp với Võ Sư Bình ( tương đương với đai "nâu" bây giở), thì đất nước bị chia cắt. Võ sư Bình ở lại miền Bắc và sau này trở thành một Võ sư danh tiếng, có rất nhiều học trò tên tuổi trong làng võ thuật. Còn ông và gia đình di cư vào Nam. Gia đình ông như đã nói, định cư tại Huế, vì thân phụ ông đang làm việc tại đây.
Ông cho biết trong thời gian ở Hà Nội, ngoài việc tập Vovinam, ông còn theo học môn võ Vĩnh Xuân ( còn gọi là Vịnh Xuân) vớ một người thầy Tàu tên là Tế Công cùng với các anh. Tế Công là một võ sư chuyên nghiệp, trước đây ông làm nghề bảo tiêu ở Vân Nam, vì vướng tội nên đã trốn qua miền bắc Việt Nam. Thân phụ của ông lúc đó làm Chưởng Lý Toà Án thấy Tế Công là người có tài nên thương tình, giảm tội cho. Để đền ơn , Tế Công xin được dạy cho các con của cụ cùng người cháu là Ngô Sĩ Quý môn võ Vĩnh Xuân này.Tuy được chân truyền môn võ Vĩnh Xuân, nhưng vì tuổi còn trẻ, lại thiếu hiểu biết về cái hay của loại Nhu quyền, nên ông không thích lắm, do thế ông thiếu chuyên cần trong việc tập luyện. Chính ông cũng công nhận rằng mãi về sau này ông vẫn chuyên luyện và thích tập môn Karate, cũng là một môn võ thiên về Cương. Mãi khi có cơ duyên tập về Judo và Aikido, ông mới bắt đầu cảm nhận được cái hay của môn võ thuộc Nhu này. Và cũng từ đó, ông suy nghĩ và phối hợp nhiều môn võ mình đã học, rồi khi mở võ đường, ông quyết định đặt tên trường là Cương Nhu.
Theo lời ông kể, lúc nhỏ ông rất nóng tính và rất " du côn ". Ông vốn rất ghét tụi du đảng ở Hà Nội lúc bấy giờ, nên thường hay gây sự để đánh nhau với chúng. đuổi chúng qua các phố khác. Ông cùng người anh kế là Ngô Quyền thường hay hẹn nhau để so tài, đánh nhau với nhóm du đảng Hà Nội. Trước khi lâm trận, bọn ông thường chuẩn bị bằng cách nhét tờ báo Life vào trong áo ( báo Life xuất bản ở Mỹ, lưu truyền rộng ở đây trong những năm này, báo này trang lớn và rất dày ). Vào khoảng năm 1952, hay 1953, (cả ông và ông Quyền đều không nhớ rõ, ông chỉ nhớ độ khoảng một, hai năm trước khi di cư vào Nam ), lúc đang ở nhà thì nghe tiếng gỏ cửa, ông Quyền chạy ra mở, thì bị một tên du đảng đâm ngay một dao vào bụng rồi bỏ chạy. Vết thương tuy nặng, may là không nguy hiểm lắm, nhưng cũng mấy tháng sau ông Quyền mới bình phục. Vì vết thương ở bụng nên ông Quyền sau này không còn tập Vovinam được nữa. Về sau ông Quyền, chuyên về Aikido và Thái Cực Quyền và trở thành võ sư của võ đường Tenshinkai Aikido ở Saigon.
Ông Đông còn cho tôi biết, lúc nhỏ khi gây sự đánh nhau với nhóm du đảng Hà Nội, ông cứ nghĩ rằng mình là một " good guy " ( người tốt ), còn đối thủ của mình là "bad guy " (người xấu ). Ông cứ tưởng rằng làm như vậy ( đánh bọn du đảng ) là giúp xã hội bớt đi một tệ nạn. Không ngờ làm vậy mình đã trở thành "du đảng lúc nào không hay ". 
Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam.

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

CƯƠNG NHU KARATEDO CÓ MẶT KHẮP MỌI NƠI .

CƯƠNG NHU KARATEDO CÓ MẶT KHẮP MỌI NƠI TRÊN THẾ GIỚI

CN Rohai Dojo ở Berkeley, California. Võ sư Ngô Quỳnh qua Berkeley dạy và chấm thi lên đai đen trước ngày khai mạc Trại Huấn Luyện miền Tây nước Mỹ. Trong số ba võ sinh đỗ đai đen hôm qua có cô Pham Vu Trang, gôc Việt Nam. Có khá nhiều người gốc Việt học Cuong Nhu từ các Võ Sư Mỹ, nhất là ở vùng Berkeley (nói chung là vùng vịnh San Francisco) và ở Seattle, tb Washington. Đây là điều rất đáng mừng.





Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

GIÓ LÀO

 GIÓ LÀO
Ai cũng có một thời tuổi trẻ sung mãn...nhất là con nhà võ như chúng tôi ! Mới đó...đai đen,đẳng này đẳng nọ,Lính dù,Biệt động oai hùng ! đùng một cái chúng tôi rũ bỏ tất cả...cùng nhau đi làm Công nhân Đường sắt Đội 756...đóng quân tại Đông hà - Cam lộ,nơi mùa Gió chướng tháng 11/1975...
Từng cơn Gió Lào khô khan,thổi ùa về trên mảnh đất cằn cỗi,thổi hốc vào mồm rát cổ họng với những giọt mồ hôi chảy dài khắp thân thể,mặt mày,trên đôi quang gánh đất nặng trĩu khòm đôi vai ! là những gì thật ý nghĩa cho "Lao động là vinh quang" Tôi được cử làm Tổ phó tổ 11,phụ trách gánh đất ,đắp đường,đập taluy...từ cầu Đông hà đến Cam lộ,phát hoang và hoàn thành đoạn đường sắt đầy những hố bom,mìn...đầy những hiểm nguy cho những kẻ đổi đời và đổi luôn tính mang ! đổi đời là đổi tất cả,nhưng tinh thần Võ đạo vẫn ko bao giờ thay đổi trong mỗi con người chúng tôi !
Hoàng"dù" và Lực là TT và TP tổ 12..."đầu đội nón dù đỏ,vai gánh đất",lúc nào cũng Tea kwondo nhiều đảng và chèn ép tổ viên mọi nơi !bầu máu nóng trong tôi hừng hực,và tôi biết cũng sẽ có một ngày chúng tôi đụng nhau ! trận đấu sân Lữa hồng năm nào tôi bị hụt,thì nay sẽ có ngày mình đọ sức với Tea kwondo vùng 3 Chiến thuật !
Và ngày đó đã đến...mồ hôi nhễ nhại,buông gánh đất trên vai xuống giải lao...phần khát vì cơn gió lào thổi hắt vào cổ họng,trên đoạn đường sắt trên cao mới đắp xong,Tôi tuy mệt nhoài nhưng vẫn ko chịu nỗi cái cảnh Lực đang chửi 1 tổ viên thậm tệ...và 1 cú đá ngang làm anh này té ngữa vào bụi tre đầy gai góc ! trong lòng tôi thắt lại...CN Karate Thầy Đồng ko dạy cho mình động thủ với người chua thủ thế ! Tôi đã ko kềm chế được nữa...Tôi và Lực đã song đấu ! lần đấu này ko có đồ bảo hộ,chỉ có tinh thần và đòn pháp là bảo vệ cho mình !
Vẫn bộ pháp lướt xéo,tấn cao hạ thấp,đánh rảy ngược...mặt Lực sưng vù vì đòn thế và xấu hổ, kết thúc1 đòn đá bay vòng của Lực và đơn giản Tôi chỉ té ngang nằm đất và đá chuồi lên...Lực bất ngờ nằm thở...Tôi nhảy vào hô hấp cho Lực...và Hoàng dù ko kềm chế được nữa...lại thách đấu ! một cơn gió lào lại ùa đến...Tôi cũng mệt nhoài thở hắt ra,,ko còn sức nào nữa mà đón tiếp Hoàng dù,Tôi biết sự thất bại ê chề sẽ đến với Tôi ! may thay.Lê Để TT tổ 6 nhảy vào can ngăn và...cũng đã hết giờ giải lao ! chúng tôi lại tiếp tục" gánh đất xây dựng cơ đồ ! "
Từ thang 6/1976 chia tay Đường sắt với những cơn gió Lào" chướng tai gai mắt "(gió rít bên lổ tai và mắt bị ngứa như có gai ),với những gánh đất và những giọt mồ hôi nghiệt ngã! Tôi ko còn nhớ Hoàng dù và Lực...và những đòn thế Cương Nhu nữa...Tôi đã biết yêu,và chùng tôi là đôi uyên ương "Thiếp gặp Chàng tại đàng xe lửa"...xây dựng gia đình vào Nam sinh sống ! Hoàng dù và Lực cũng ko biết Tôi học võ gì ?chỉ biết rằng mỗi chiều tối,Tôi thường mặc 1 cái quần võ màu trắng ngà cho đở lạnh về đêm,và cũng phai theo thời gian năm tháng thành màu vàng ố..như tương lai mù mịt !
Về Saigon lập nghiệp...Tôi gặp lại Anh VY...hai Anh em ngồi nhâm nhi chai rượu Cây Lý với đĩa lòng nghèo...tình cờ Tôi kể chuyện xưa cho vơi nỗi lòng! Anh Vy mới nói:" tháng 10/1971 Diệp đi rồi...Lê Để mới vào học...nhưng giỏi lắm ! và là Đại hộ pháp của Anh đó ! "...Tôi giật mình nhớ lại ngày đó Tôi cũng ko biết Lê Để,nhưng vẫn nhớ mãi câu nói "Tui biết Anh học CN/Karate và Anh đã thắng ! nếu bửa đó thằng Hoàng dù nhảy vào là tui ko tha mô"...Câu nói thấm đậm tình cảm vào buổi tối hôm sau của Để...Tôi vẫn nhớ mãi theo thời gian ! mặc dù cho đến hôm nay Tôi vẫn ko biết Để ở phương trời nào ? nhưng có lẻ tình Sư huynh đệ chúng tôi cũng làm cho Anh linh của Thầy Đồng và Thầy Vy mãn nguyện !...
Viết tặng Lê Để,Đại Hộ Pháp và TT Tổ 6/Đội 756 ĐS. SG.4/10/2014

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

BIỄU DIỄN HAI THẦY TRÒ HOÀNG THỐNG LẬP


Tôi và người học trò biểu diễn đoản côn 35 năm trước.

TẤM BẰNG CỦA DƯƠNG VĨNH TUYẾN .

TẤM BẰNG VÕ

Chiều nay, bất chợt thằng con hỏi: Ba ơi! Ba có võ hả?
Người cha trả lời: Ồ! Cha có võ gì đâu!
Thằng con: Vậy tại sao con thấy trong nhà mình , Ba có treo tấm bằng Huyền Đai đệ .... đẳng Cương nhu Karate?
Ừ! Đó là kỷ niệm của đời Ba đó con.
Vậy ai dạy võ cho Ba?
À! Là thầy của Ba?
Thầy của Ba là ai? Có phải người đang đứng tấn nhón được in trong tấm bằng của cha hay không?
Ồ! Không con. Đừng hỏi thế mà "phạm thượng"! Người đứng tấn nhón trong tấm bằng Ba treo là "Vị tổ sư của môn phái" đó con.....

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

LỢI ÍCH KHI HỌC VÕ CƯƠNG NHU KARATEDO



LỢI ÍCH CỦA TẬP LUYỆN VÕ THUẬT _ CƯƠNG NHU KARATE
Với những bước hướng dẫn thích hợp từ các HLV bộ môn võ thuật, bạn có thể kiểm soát stress và những căng thẳng trong cuộc sống, giảm thiểu phần cân nặng dư thừa và mang lại một cơ thể căng tràn sức sống đầy tự tin trong khi đang học tập một cách tự vệ hiệu quả.
Võ thuật không những mang lại cho bạn cơ bắp săn chắc mà còn giúp duy trì sự dẻo dai, mạnh khỏe của chúng. Một chương trình võ thuật được thiết kế để giữ cho cơ thể luôn trong tình trạng hoàn hảo nhất có thể.
- Mục tiêu đầu tiên của môn võ thuật Cương Nhu Karate là để duy trì một cuộc sống trong sạch, đơn giản, chân thành, và cao quý. nhằm mang lại những lợi ích nhất định cho người học. Không chỉ đạt được kỹ năng tự vệ, mà quan trọng hơn còn là tập trung phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Lịch sự, tôn trọng, khiêm tốn, lòng trung thành, sự khoan dung và sự cống hiến không chỉ là nguồn, ấy còn là phần thưởng từ việc học võ mang lại.
- Nếu tuân thủ đúng những hướng dẫn của HLV Cương Nhu Karate sẽ giúp bạn phát triển tốt tinh thần tự giác của bản thân. Học viên sẽ có thể cảm nhận ngay được thể chất và tính kỷ luật, tự giác của mình đang cải thiện dần và những người xung quanh cũng có thể dễ dàng thấy được sự thay đổi ấy. Hoạt động thể chất được sử dụng để nâng cao tinh thần rất hữu ích trong việc phát triển một hình ảnh cá nhân tích cực.
- Cương Nhu karate phù hợp cho mọi giới tính và mọi lứa tuổi. Phụ nữ sẽ học được cách tự vệ hiệu quả và có thể sử dụng để chống lại đối thủ có thể là lớn hơn và mạnh hơn mình. Việc học võ giúp lấy đi những phần cơ bắp không được săn chắc như mong muốn trong khi làm tăng chúng lên thông qua kinh nghiệm học tập thú vị và đáng giá. Đối với trẻ em, võ thuật dạy cách tự vệ trong khi cải thiện sự phối hợp. Rất nhiều bác sĩ và nhà tâm lý học nhi khoa đề nghị một chương trình dạy võ thuật để “chữa lành” các vấn đề thời thơ ấu cho trẻ. Những bài học mà một đứa trẻ học sẽ có tác động trực tiếp đến cả phần đời còn lại của chúng.
- Nhiều bậc cha mẹ chọn cách kết nối toàn bộ các thành viên trong gia đình của mình thông qua võ thuật C ương Nhu Karate như một phương tiện thú vị giúp tăng cường các mối quan hệ gia đình. Dành thời gian để nghiêm túc xem xét những gì võ thuật có để mang lại cho bạn và gia đình, điều này có thể là một bước quan trọng để hướng tới việc đạt được các mục tiêu và nguyện vọng đã đặt ra.
-Những cải thiện đạt được thông qua học võ Thuật CƯƠNG NHU KARATE:
Cải thiện tinh thần
1. Tập trung tinh thần: Không chỉ thể chất tăng lên mà tinh thần cũng sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Điều này giúp thư giãn và tập trung sâu cũng như đầy đủ hơn trong những lúc bạn phải hoạt động hay làm việc trong một khoảng thời gian dài.
2. Các mối quan hệ cá nhân: Kể cả trong công việc, trường học, gia đình và bạn bè. Bên cạnh đó còn là học được sự tập trung tinh thần và tôn trọng người khác cũng như nhận thức và nhu cầu của họ. Sự tôn trọng, lịch sự, tử tế và sự cảm nhận đối với người khác sẽ tác động đến các mối quan hệ cá nhân.
3. Thái độ tích cực: Khả năng tự vệ giúp cải thiện rất nhiều sự tự tin của bản thân người học. Tự tin kết hợp với sự đánh giá tốt, tính toàn vẹn và cải thiện tổng thể trong lối sống mang lại một thái độ tích cực.
Cải thiện thể chất:
1. Cải thiện sự cân bằng và phối hợp: điều này sẽ được áp dụng vào hầu hết các hoạt động khác trong cuộc sống, bên cạnh đó còn là bản năng, sự nhanh nhẹn và tốc độ sẽ mang lại rất nhiều cải thiện hữu ích cho học viên.
2. Tính linh hoạt: Đây là một trong những thay đổi dễ nhận thấy đầu tiên. Tính linh hoạt nhạy bén không chỉ thúc đẩy một tư thế và hình thể đẹp mà còn giúp tiếp tục cải thiện thể chất theo độ tuổi.
3. Sức chịu đựng: Giống như tính linh hoạt, sức dẻo dai, bền bỉ sẽ cho thấy một sự cải thiện tuyệt vời khi bạn luyện tập thường xuyên võ thuật Cương Nhu KARATE. Sức chịu đựng sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ trong cuộc sống của bạn, ví dụ như bạn sẽ cảm thấy ít mệt mỏi hơn mỗi khi bắt đầu những chuyến du lịch dài và dài hơi, khả năng chơi thể thao trội hơn và năng lượng hoạt động ngày một tăng lên.
Bạn thấy đấy, võ thuật C ương Nhu Karate không chỉ gói gọn trong một buổi tập luyện. Đó còn là cả một sự thay đổi, về thể chất lẫn tinh thần, lối sống của một con người và sẽ tồn tại theo cuộc sống của họ suốt cuộc đời.
Võ Sư TRẦN VĂN VINH
Huyền Đai Bát Đẳng Cương Nhu Karate