Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

VỚP VÕ CƯƠNG NHU KARATEDO ĐẦU TIÊN Ở HẢI NGOẠI .

Lớp võ Cương Nhu Karate đầu tiên ở hải ngoại.

Lớp võ Cương Nhu Karate đầu tiên ở hải ngoại bắt đầu vào khóa học mùa thu, tháng 9 năm 1971, trong khuôn viên trường đại học University of Florida (UF), thành phố Gainesville, tiểu bang Florida, nước Mỹ. Thầy Ngô Đồng qua Mỹ với học bỗng USAID, đến Gainesville vào mùa xuân năm 1971 để bắt đầu chương trình PhD. Năm đầu tiên, Thầy ở Cư Xá Sinh Viên Beaty Towers nên mượn nhà ăn của sinh viên làm chỗ dạy võ. Lớp võ mỗi tuần có hai tối, mỗi tối tập một giờ rưởi. Vì nơi tập là nhà ăn của sinh viên nên lớp bắt đầu khá trể, 8 giờ tối mới bắt đầu. Khi sinh viên ăn tối xong, “cafeteria” đóng cửa thì chúng tôi đến sớm vài phút, xếp bàn ghế vào góc. Sau buổi tập, lại xếp bàn ghế và dọn dẹp lại như cũ cho cư xá. 

Lớp võ đầu tiên này có chừng hai mươi võ sinh (xem hình đính kèm). Đa số là các bạn học cùng lớp với Thầy. Trong số các võ sinh này, có hai người dạy Thầy là Giáo Sư Harvey Cromroy và Giáo Sư Freddie Johnson. Cô Mary Davis khi đó là Thư Ký của Khoa, sau này Cô mở võ đường ở Atlanta và trở thành một trong những rường cột của Cuơng Nhu. Lớp này có hai người Việt là tôi (Hoàng Thống Lập) và anh bạn tôi, Lê Trọng Hiếu. Tôi và Hiếu đều từ Huế sang du học ngành Kỹ Sư Công Chánh ở UF . Chúng tôi đã nghe tiếng Thầy khi còn ở Huế vì có vài bạn là học trò Cuong Nhu của Thầy ở Huế. Tôi lại là học trò Việt Văn của vợ Thầy, cô Tôn Nữ Thanh Châu, vào niên khóa 1961-62, lúc tôi học lớp đệ lục trường trung học Nguyễn Tri Phương. Lớp võ CN đầu tiên này có một thiếu nhi Allen Johnson, con của Freddie. Cả hai cha con đều lên đai đen năm 1974. Theo luật lệ của trường, chúng tôi ghi danh là Cuong Nhu Karate Club, do Dr. Harvey Cromroy làm Giáo Sư Cố Vấn, đứng tên bảo trợ. Ông Cromroy lúc đó đã là Giáo Sư lâu năm, nỗi danh về các nghiên cứu trong ngành Côn Trùng Học, và là người dịch các điều tâm niệm CN ra tiếng Anh. Ông dịch rât hay nên đến nay bản dich đầu tiên này vẫn còn dùng. 

Thầy Ngô Đồng là người rất năng động. Trong mấy tháng đầu, Thầy và tôi đi biểu diễn nhiều nơi trong trường. Tôi trở thành Uke (phụ tá ?) của Thầy vì lúc đó tôi đã học Judo được mấy năm, các đòn té, bay, nhảy khá tốt. Chúng tôi mượn máy ditto, loại máy in thông dụng hồi đó có chữ màu tím, tự vẽ, tự in ra các tờ flyers (tờ bướm ?) đi dán khắp trường để quảng cáo cho lớp học. Lúc đầu Thầy ngại người Mỹ đọc chữ Cuong Nhu không được nên dùng chữ Aiki Karate, nhưng võ sinh Mỹ lại thích Cuong Nhu hơn nên giữ lại Cuong Nhu Karate ( Mỹ họ đọc là Kung Nu…). Lớp sau đó, có một người học trò Mỹ ngành Mỹ Thuật, anh ta sắp xếp và vẽ lại tờ bướm này rất đẹp, Thầy rất ngạc nhiên và hài lòng. Khi in ra, ai thấy cũng khen đẹp, rât tiếc là tôi không giữ lại tờ nào.

Thời gian đâu tiên, tôi giúp Thầy trong việc dịch các từ võ thuật từ tiếng Nhật và tiếng Việt ra tiếng Anh. Thầy học Karate và Jujitsu với Võ Sư Choji Suzuki nên biết tên các thế võ qua tiếng Nhật, nhưng Thầy không muốn dùng từ Nhật hay Việt cho các thế võ, mà muốn dùng toàn tiếng Anh khi dạy ở Mỹ. Chỉ trừ các chữ Nghiêm, Nghỉ, Chào, Một, Hai là giữ lại tiếng Việt, và các chữ này đã trở thành truyền thống cho đến bây giò, các võ sư người Mỹ, Pháp, Đức cùng đang dung, còn tất cả đều dùng tiếng Anh. Tham chiếu nhiều sách võ, dịch các từ Nhật thì không khó nhưng đến các từ võ Việt Nam cổ truyền như Đỡ Đẽo, Đỡ Gọt theo cách Công Thủ Hợp Nhất thì hơi bí nên chúng tôi dịch tạm là “punching blocks”. Hâu hết các từ dịch ra tiếng Anh hồi đó bây giờ vẫn còn dùng ở Mỹ. Sau này, khoảng 1980-81 khi tôi và Thầy cùng viết cuốn “ Cuong Nhu Instruction Manual” (Cẩm Nang Dạy Cuong Nhu) đầu tiên thì có hiệu đính lại.

Tôi làm việc dịch thuật này với Thầy rất tâm đầu hợp ý. Chúng tôi đều có đầu óc tiến bộ, cởi mở, thực dụng và phá chấp nên rất dễ làm việc chung. Trước đó, Thầy đã biên soạn và xuất bản cuốn “Thành Ngữ tiếng Anh” nên Anh Văn của Thầy lúc đó khá giỏi. Riêng tôi, sau sáu tháng học chuyên Anh Văn ở California, lúc đó tôi học năm thứ ba ở UF, tôi viết và nói tiếng Anh khá tốt, nên giúp Thầy được nhiều trong việc dịch thuật. Làm dịch thuật hai người nhanh hơn và đỡ sai sót. (còn tiếp)

Ghi chú thêm
1. “Khóa mùa thu” dịch từ “Fall Quarter”. Thông thường các đại học Mỹ học theo lối semester, tức là mỗi năm có hai kỳ, khóa mùa xuân từ tháng 8 đến tháng 12, khóa mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 5. Riêng UF và một số ít trường khác thì một năm có bốn khóa học quarters – Xuân Hạ Thu Đông (Fall, Winter, Spring, Summer). Sinh viên học mỗi năm ba quarters, mỗi khóa học 4-5 lớp, mùa hè đa số đi làm.
2. Trường Đại Học University of Florida (UF) là trường đại học cổ xưa nhất và danh tiếng nhất tiểu bang Florida, được thành lập năm 1853, hiện nay được xếp hạng trong 50 trường hàng đầu của Mỹ. Trường trải rộng trên 2,000 mẫu, có 900 buildings lớn, trên 100 phân khoa cấp bằng cử nhân (Bachelor) và 200 bằng Cao Học (Master), và Tiến Sĩ (PhD). Trường có đủ các loại phân khoa, ngoài các ngành học tổng hợp, kỹ thuật, còn có Nha Y Dược, trường Luật, trường Thương Mại, có nhà thương riêng. Trên 7 ngàn sinh viên sống trong các đại học xá, và trên 1000 sinh viên có gia đình trong khu cư xá riêng. (Ghi chú thêm là khác với Việt Nam, Úc hay Pháp, ở Mỹ muốn thi vào trường Nha, Y, Dược, Luât, Thương Mại, thì phải có bằng Cử Nhân và sau đó học them 2,3,4 năm tùy ngành) 
3. Tôi nghĩ khi dịch tên các trường đại học ở Mỹ, nên để nguyên tên nguyên thủy của trường, thêm chữ “đại học”, nếu cần. Ví dụ, University of Florida, hoặc “Đại Học University of Florida”. Tôi thấy báo chí trong nước có người dịch “University of California, Berkeley” ra thành “đại học bang Ca-li-Phọt–Ni-a”, vừa tức cười, lại thêm chữ “Bang” không đúng, dễ lầm, ở Mỹ đọc vậy không biết là trường nào. Califonia có nhiều hệ thống đại học, hệ thống thứ nhất là University of California gồm có 10 trường, trong đó UC Berkeley đứng đầu và là một trong những trường danh tiếng nhất của Mỹ, thường được xếp hạng “Top Ten” trên thế giới. Hệ thống thứ hai là California State University, có 23 trường. Dịch đúng, hay để tên nguyên thủy, thì phân biệt được thật giả. Con cháu các cụ hay mua bằng Mỹ từ các trường “bán bằng” (Mỹ nó gọi là Diploma mills) như Columbia Southern University hay Columbia International University, là những trường dỗm, có tên ná ná giống trường thật (Columbia University). Hay bằng đại học Irvine University (dỗm) nghe có khác gì University of California, Irvine (thật). Có trường lấy tên là “Southern California Institute of Technology”, (dỗm) nhưng dịch ra cũng dễ lầm với “Viện Công Nghệ California – California Institute of Technology (Caltech). CalTech là một trong những đại học đại học danh tiếng nhất của Mỹ. 
4. Khoa Côn Trung Học là tôi dịch từ Department of Entomology. Department này thuộc Viện IFAS (Institute of Food and Agricultural Sciences - Viện Thực Phẩm và Khoa Học Nông Nghiệp). Riêng ngành canh nông thì UF được xếp hàng đầu nước Mỹ (cùng với University of California, Davis). Ảnh hưởng trường rất lớn vì mỗi tỉnh, khắp tiểu bang, đều có các trung tâm của trường để nghiên cứu và cố vấn cho nông dân. UF sở hửu trên 16 ngàn mẫu đất để làm nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp. Tôi dùng chữ nông nghiệp để nói chung chứ mình đến hỏi về chuyện nuôi cá, làm nấm, nuôi bò, v.v… họ đề có chuyên viên hướng dẫn miễn phí. Giáo Sư Freddie Johnson, trong lớp Cương Nhu đầu tiên tại Mỹ và là một trong những đai đen đầu tiên của Cương Nhu, làm Giáo Sư Giám Đốc chương trình này cho toàn tiểu bang, một chức vụ quan trọng và nhiều trách nhiệm.
5. Từ 1960 cho đến 1975, có mấy trường đại học Mỹ, qua cơ quan USAID, có hợp tác với nhiều trường đại học tại miền Nam để đào tạo giáo chức đại học. Ví dụ Michigan State University với trường Quốc Gia Hành Chánh, University of Missouri với trường Kỹ Sư Phú Thọ, UF với trường Đại Học Nông Lâm Súc, v.v... Thầy Ngô Đồng là một trong nhưng người nhận học bỗng này, Thầy đến UF đầu năm 1971, tốt nghiệp PhD về Entomology (Côn Trùng Học) tháng 6 1974. Thầy trở về Huế mấy ngày sau khi dự lễ tốt nghiệp .
6. Tôi biết có nhiều ghi chú ở đây không cần thiết nhưng các anh cứ giữ lấy làm tài liệu, vì đỡ bị lẫn lộn về sau. Thà dư hơn là thiếu.


Không có nhận xét nào: