Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

SÁNG MÃI CUONG NHU KARATEDO

SÁNG MÃI CƯƠNG NHU KARATE


    “Nếu không có tinh thần triết học và trưởng thành, một võ sĩ  chỉ là một chiến binh đường phố được đào tạo”.
     Xin được trích dẫn câu nói “bất tử” của cố Chưởng Môn phái Cương Nhu Karate Do – Ngô Đồng, để mở đầu cho những cảm nhận của cá nhân mình về Môn phái Cương nhu Karate Do.
    Cùng với sự  nhiệt huyết  của quý Sư – Huynh – Đệ võ phái Cương nhu Karate Do , trong việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm – ngày thành lập Môn phái Cương nhu Karate Do (1965 - 2015), là sự háo hức pha chút “tự hào” của cá nhân mình – với tư cách là người đã một thời “chấp tay bái tổ” tại “ Sân tập” của Thầy Nguyễn Văn Nhân ở làng Hương Cần.
   Nhớ ngày ấy:
   Vào những năm 80 mươi của thế kỷ 20, trong bối cảnh  đời sống xã hội vô cùng khó khăn, phức tạp , mọi thứ sinh hoạt của đời sống dân sinh nhường như bị cấm đoán…thì tại làng Hương Cần, đã xuất hiện lớp dạy võ do võ sư Nguyễn Văn Nhân trực tiếp huấn thị.
   Lúc này, tôi chỉ là một đứa trẻ với lịch thời gian của một ngày gồm nữa ngày đi học chữ và nữa ngày cắt cỏ chăn trâu ( thường gọi là trâu 03 chân) mà  gia đình tôi nhận nuôi của Hợp tác xã. Cứ vào khoảng 04 giờ sáng mỗi ngày, tôi thức giấc, dẫn trâu ra đồng ăn cỏ, khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau thì dẫn trâu về …rồi chuẩn bị sách vở và đi học.    Cứ thế, ngày này qua ngày khác….cho đến một hôm, người chú của tôi hỏi: Cháu có đi học võ không?
   Và tôi hỏi lại: Võ gì hở chú?
   Rồi người chú của tôi nói:  Karate.
    Nghe  người chú nói võ Karate, không hiểu sao  tôi buộc miệng nói: Karate à? Rồi  tôi  nói tiếp : Cháu  thích học “ võ ta”  hơn.
   Thế rồi, bặt  đi  một thời gian, tôi đã  không nghĩ đến chuyện đi học võ mà người chú của tôi  đã gợi ý. …
   Thế rồi, không biết động lực nào đã thúc giục mà tôi đã trở thành một võ sinh theo học  võ  phái Cương nhu Karate Do do thầy Nguyễn Văn Nhân trực tiếp huấn luyện.
  Ngày nay, do sự mưu sinh của cuộc sống, tôi không còn trực tiếp tham gia “học võ” nữa; tuy nhiên trong tâm trí tôi vẫn luôn luôn ghi nhớ , nhớ về một thời cơ cực của cuộc sống nhưng rất  tự hào khi được học võ Cương nhu Karate Do !
    Có lẽ dấu ấn, ấn tượng nhất đi vào tâm trí của tôi khi được học Cương Nhu Karate Do là hình  biểu tượng của Môn phái!
   Vì sao ư?
   Theo truyền thuyết về sự hình thành và phát triển của vũ trụ quan Phương Đông thì từ Vô cực sinh ra Thái cực; từ Thái cực sinh ra Lưỡng nghi; từ Lưỡng nghi sinh ra Tứ Tượng, từ Tứ tượng sinh ra Ngũ hành; Ngũ hành tương khắc tương sinh, sinh ra Bát quái và Bát quái tạo ra muôn loài.
                                     


   Và thật thú vị và tự hào khi biểu tượng của Môn phái Cương Nhu Karate Do giống hoặc gần giống với biểu tượng của Lưỡng nghi. Nơi  Âm Dương  quyện chặt lấy  nhau và là nguồn  gốc sinh ra vạn vật.

                                               


    Viết đến đây, bất chợt trong tâm trí tôi xuất hiện suy nghĩ: Ngày nay, võ phái Cương nhu Karate đã được phát triển khắp nơi, không chỉ  ở Huế - nơi Chưởng Môn phái Ngô Đồng thành lập ra môn phái – mà đã phát triển ra toàn quốc và cả trên  thế giới, những kỹ thuật quyền cước ít nhiều đã có thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại; tuy nhiên về biểu tượng căn nguyên của môn phái vẫn không bao giờ thay đổi . Đó mới chính là SÁNG MÃI CƯƠNG NHU .
   Là người đã từng được học Cương Nhu Karate Do, tôi cảm thấy tự hào về võ phái mình đã học. Tôi tự nhủ: Học võ không chỉ để múa quyền hay, cước đẹp …mà còn phải biết vận dụng những kiến thức võ học vào cuộc sống. Và khi đọc được câu “nếu không có tinh thần triết học và trưởng thành, một võ sĩ  chỉ là một chiến binh đường phố được đào tạo ” của Chưởng môn Ngô Đồng thì tâm trí tôi đã sáng ra!Tôi thật sự  tự hào về môn võ mà mình theo học.
   50 năm. Một quãng thời gian không dài so với dòng lịch sử nhưng rất lớn đối với một con người.
   Cùng hưởng ứng lễ kỷ niệm 50 năm – ngày võ phái Cương Nhu Karate Do được thành lập, tôi chỉ góp một vài dòng, ghi lại những ký ức, kỷ niệm…..của một người đã từng học Cương nhu Karate Do.
   Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có lẽ khó quên nhất và thú vị nhất trong quảng đời học võ, đó là một lần đi bài quyền “ Phối hợp chặt ra”, không biết sao lại có quá nhiều võ sinh trình bày không đúng, trong đó có bản thân tôi. Lúc đó, thầy Nhân  nói: Sai răng mà  đến nỗi có em  tối nào cũng đi học mà cũng sai!
   Quả thật là thú vị! Không sai sao được, khi mà có những đêm đi học , trong bụng chưa có cái gì lót vào! Có gì khổ hơn là bị cái bao tử nó thắt. Nó càng thắt mạnh bao nhiêu thì tâm trí bị chi phối bấy nhiêu. Tâm trí bị chi phối thì tất thị làm sao mà tập trung được.
    Nhớ lại trong buổi tất niên võ đường vào ngày 20 tháng chạp âm lịch, với sự tham gia đông đủ của các môn sinh cùng sự hiện diện của các thầy võ sư, như thầy võ sư Vĩnh Vy, thầy võ sư Lê Huy Chương…đến tiết mục “Hái hoa dân chủ”, trong khi ai ai cũng được cất cao tiếng hát vừa để chuẩn bị đưa tiễn năm cũ  đi qua, chào đón năm mới  sắp đến và vừa giương cao khí tiết hào hùng của Môn phái Cương nhu Karate Do…thì  đến lượt tôi tham gia   tiết mục. Nguyễn phi Hội – Một môn sinh – đã  đưa cho tôi  một cái “xăm”.  Bình thản mở “xăm ” ra, tôi  thấy trong đó chứa đựng một bài “táo quân”. Tôi chợt nhận ra : Mình  đã được thầy Nhân chọn để đọc bài táo này! Thế là tôi  oang oang bài “táo” với khẩu khí của một môn sinh từng nhiều lần cất lên tiếng thét “Ki ai”.
    Giờ đây nhớ lại, mới thấy việc dạy võ của thầy Nhân và sự học của võ sinh mới thật là gian nan, khổ ải.  Đó là  khi việc dạy võ của thầy Nhân bị chính quyền sở tại cấm cản, thế là hằng đêm, anh em “huyền đai” phải vào trong  nhà thầy Nhân, dọn cất bàn ghế, tạo khoảng trống để tập.
   Có gì buồn hơn khi môn sinh  phải tập võ lén lút ngay chính trong căn nhà của  mình! Dù vậy, thầy Nhân và những môn sinh đều không nản chí, phai tình. Sự kiên trì nhẫn nại (đến mức Nhu nhược) của  thầy trò Võ đường Hương Cần rồi cũng đã lúc gặt hái kết quả. Khi lần lượt các lớp võ thuật được thầy Nhân khai giảng tại trường cấp III Hương trà và một số nơi khác . Rồi số lượng võ sinh càng ngày càng đông hơn. Cùng với một số anh em trong Hội đồng huyền đai, tôi cũng cùng tham gia luyện tập cho các võ sinh nói trên. Điều tự hào là đã có rất nhiều người tham gia các lớp học này , sau đã trưởng thành và lấy “nghiệp võ” là nghề sống chính của mình.
   Việc tham gia huấn luyện võ thuật  tại  trường cấp III Hương trà kết thúc khi tôi  vào thành phố Hồ chí Minh để học đại học. Cũng từ đó, tôi đã chính thức rời khỏi đất Hương Cần; tuy nhiên trong tâm trí của mình, tôi   không bào giờ quên mình  là môn sinh của hệ phái Cương nhu Karate Do.
    Nay ngồi viết lại mấy dòng này, trong tôi lâng lâng kỷ niệm!
    Nhớ có lần, thầy Nhân khi trực tiếp dạy võ cho học trò đã nói : Các em học võ mà khi đi ra đường, nếu có tham gia  đánh nhau thì làm sao để thiên hạ nói đánh  đúng; còn để thiên hạ nói “đánh lộn” thì đừng có đánh.
   Than ôi! Ở đời có  mấy  ai nói những người tham gia đánh nhau  là đúng đâu , họ chỉ toàn nói là đánh lộn. Vậy thì nếu phải đánh nhau thì làm sao đánh cho đúng đây?
   Phải chăng, để đảm bảo đánh đúng thì cách tốt nhất là không đánh?     Điều này quả thật không dể thực hiện , bởi cái sĩ của con người học võ có chịu nằm im khi bị người khác khiêu khích hay không?
   Vừa  rồi, đọc tin thấy người ta trích dẫn câu nói của tổ sư GICHIN FUNAKOSHI : “ Karate không ra tay trước”.



 Đã làm cho trí  óc tôi liên tưởng lại lời dặn (dạy) của thầy Nguyễn Văn Nhân!
   Nhắc lại một số kỷ niệm để nhận thấy một điều: Thời gian tôi đi học võ Cương nhu Karate Do do thầy Nguyễn Văn Nhân huấn thị là thời gian khổ luyện của thầy.
   Tôi được biết: Thầy Nguyễn Văn Nhân theo học võ Cương nhu Karate Do với Chưởng môn Ngô Đồng từ năm 1969. Sau biến cố 1975, đời sống xã hội vô cùng khó khăn, tuy nhiên với tinh thần yêu thích, đam mê võ thuật, thầy đã luôn luôn tìm cách để duy trì và phát triển võ phái. Và lớp  võ mà thầy khai mở tại làng Hương Cần vào những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ 20 đã chứng minh.
   Ngày nay, nhờ  sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng internet …thầy Nguyễn Văn Nhân đã gặp lại được các huynh đệ của mình.
   Là người từng được thầy Nhân huấn thị,  tôi cảm thấy tự hào khi được “diện kiến” các võ sư là sư huynh đệ của thầy Nhân trong dịp lễ  kỷ niệm 35 năm ngày thành lập võ đường Hương Cần, đó là những  võ sư  Trương Ngọc Diệp; Đặng Hữu Hùng; Trần Văn Toàn…
  Hy vọng và tin chắc rằng: Với việc chọn hình âm dương làm biểu tượng của Môn phái Cương Nhu Karate Do và với sự truyền bá tậm tâm, nhiệt tình của Chưởng Môn đối với các môn đồ nói chung và của các võ sư Cương Nhu Karate Do đối với võ sinh của mình nói riêng thì võ phái Cương nhu Karate Do sẽ mãi mãi tồn tại và phát triễn!  
  
                                        Đồng Xoài ngày 01 tháng 5 năm 2015

                                          Môn đồ: Dương  Vĩnh Tuyến.

1 nhận xét:

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến nói...

Ai viết mà đọc nghe cũng tàm tạm ấy nhỉ?