DR. NGÔ ĐỒNG, MỘT NGƯỜI THẦY TẬN TÂM, TRUNG TÍN VÀ TÀI HOA
Phần 1: Những năm ở Hà Nội (1937- 1954)
Anh sinh ngày 4 tháng 10 năm 1937 tại Hà Nội, Việt Nam. Mất ngày 10 tháng 5 năm 2000 tại Gainesville, Florida, Hoa Kỳ, thọ 64 tuổi.
Anh sinh ra trong một gia đình khoa bảng, giàu có. Cha anh là cụ ông Ngô Khánh Thực, mẹ là cụ bà Phạm Ngọc Vinh. Cụ ông có lúc làm Án Sát Hải Dương nhưng tính khí ông cụ rất thẳng nên bị giáng chức về Hà Nội làm Giám Đốc Tư Pháp Bắc Việt kiêm Chưởng Lý Tòa Thưởng Thẩm cho đến năm 1954. Sau 1954 gia đình di cư vào Nam, Ông cụ giữ chức Giám Đốc Tư Pháp Trung Phần từ 1955 đến ngày cụ mất năm 1967 ở Huế. Cụ bà mất năm 1960 cũng ở Huế.
Anh là người con trai út trong gia đình 6 người con trai. Cả nhà đều mê tập võ thuật nên sau nhà ở Hà Nội có sân tập võ, trong nhà có nơi giăng dây làm sân đấu quyền Anh. Hai người anh lớn thuộc nhóm võ sinh đầu tiên của ông Nguyễn Lộc, vị tổ sư sáng lập ra Vovinam (sau đổi tên là Việt Võ Đạo). Anh cũng học Vovinam nhưng không học với hai người anh ruột mà học với người bạn của ông anh thứ hai. Anh nói với tôi là anh em thì khó dạy nhau nên anh và người anh kế (Võ Sư Ngô Quyền) học võ vói Võ Sư Phan Dương Bình, học trò thứ 5 của Tổ Sư Nguyễn Lộc. Vovinam những ngày đó chưa có võ phục, khi tập chỉ mặc áo maidô quần đùi, vật nhau té hay nhào lộn đều ở trên sân cỏ, không có nệm tapi như các võ đường sau này. Anh học xong phần trung cấp với ông Bình (gần bằng đai nâu bây giờ). Ông Bình ở lại miền Bắc sau 1954 và trở thành một Võ Sư danh tiếng, có rất nhiều học trò.
Anh cũng tập thêm võ Vĩnh Xuân (còn viết là Vịnh Xuân) với các anh và với một người thầy Tàu tên Tế Công. Ông Tế Công là một võ sư chuyên nghiệp, làm nghề bảo tiêu ở Vân Nam, vướng tội, trốn qua miền Bắc Việt Nam. Ông cụ lúc đó làm Chưởng Lý Tòa Án, thấy ông Tế Công là người có tài nên thương tình, giảm tội. Bù lại, ông Tế Công trả nghĩa bằng cách dạy cho các con ông cụ và một ngươi cháu là ông Ngô Sĩ Quý. Hồi đó, người Tàu cũng còn hạn chế truyền bá võ thuật cho người Việt. Ông Ngô Sỹ Quý ở lại miền Bắc sau 1954 và trở thành võ sư danh tiếng của môn võ Vĩnh Xuân. Những năm thiếu niên tuổi còn trẻ, không hiểu cái hay của các loại nhu quyền nên anh cũng không thích Vĩnh Xuân lắm và học mà không chuyên tập. Anh cũng công nhận là sau này anh chuyên luyện và ưa thích môn võ karate, cũng thiên về Cương. Mãi khi có cơ duyên tập luyện thêm về Judo và Aikido, anh mới bắt đầu cảm nhận cái hay của các môn võ thuộc Nhu. Từ đó, anh phối hợp nhiều môn võ đã học, đặt tên trường là Cương Nhu.
Theo lời anh kể, khi nhỏ anh rất nóng tính và rất “du côn". Anh rất ghét tụi du đãng ở các phố Hà Nội nên thường gây sự đánh nhau với du đãng, đuổi đi qua phố khác. Anh và người anh kế là anh Ngô Quyền hay hẹn để so tài, đánh nhau với các nhóm du đãng Hà Nội. Các anh chuẩn bị bằng cách nhét các tờ báo Life vào trong áo (báo Life xuất bản ở Mỹ, lưu truyền rộng trong những năm này, trang lớn và khá dày). Cho đến năm 1952 hay 53 (cả anh và anh Quyền đều không nhớ rõ, chỉ nhớ là khoảng một hai năm trước khi vào Nam), nhà có tiếng gõ cửa, anh Quyền ra mở thì một tên du dâng đâm ngay một dao vào bụng rồi bỏ chạy. May là không chết nhưng phải mấy tháng sau mới bình phục. Vì vết thương ở bụng nên anh Quyền sau này không còn tập Vovinam được nữa. Sau này, anh chuyên về Aikido và Thái Cực Quyền, và trở thành Võ Sư võ đường Tenshinkai Aikido ở Saigon.
Anh Đồng nói với tôi khi anh gây sự đánh nhau với nhóm du đãng Hà Nội, anh cứ nghĩ rằng anh là “good guy” (người tốt) còn đối thủ anh, tụi du côn là “bad guy” (người xấu). Anh nghĩ làm như vậy là giúp được xã hội bấy giờ bớt đi vấn nạn. Anh nói” Không ngờ mình trở thành du đãng khi nào không hay.”
Năm 1954 anh theo gia đình vào Nam.
(Đọc tiếp phần 2: Thời gian ở Huế, 1954- 1970: Từ một du đãng thành một người Thầy đáng kính)