LỊCH SỬ MAI HOA QUYỀN
Tại Trung Quốc, khi nhà Thanh (1616 - 1911), tràn vào chiếm Trung Nguyên tiêu diệt nhà Minh lập nên triều đại mới, vì sự đô hộ của giống dân Mãn Châu mà người Hán cho là ngoại bang, để lật đổ sự đô hộ đó, mọi môn phái võ thuật đều vùng dậy chuẩn bị cho ngày cách mạng sắp tới.
THIẾU LÂM TỰ
Tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) trong một ngôi chùa gọi là Thiếu Lâm Tự, những vị sư ở đây đa số là những vị quan võ trước kia của triều đại nhà Minh, do vì bị nhà cầm quyền Mãn Châu lùng bắt, họ phải cải trang thành các nhà sư trong ngôi chùa này.
Trong phong tục gia đình của Trung Quốc thời ấy, khi còn là dân sự thuộc gia đình nào đó, một công dân phải tuân hành luật pháp của Nhà nước và Gia tộc (Nước có Quốc pháp, Nhà có Gia quy). Nhưng khi xuất gia, xuống tóc, người ấy không còn là một phần tử của gia đình và của Đế quốc Trung Hoa nữa, họ là người truyền bá giáo lý nhà Phật không liên quan gì đến thế giới này.
Như thế một người xuất gia mặc dù chấp nhận Hoàng đế là Thiên tử, người ấy vẫn không ở trong hệ thống gia đình, vì vậy không tùy thuộc vào các qui lệ của gia đình. Tên tuổi người đó thường bị gạch bỏ khỏi Gia phả.
Những vị trung thần của triều đại nhà Minh thường đến nương náu tại chùa. Do đó, họ không bị chi phối bởi luật lệ Nhà nước hoặc của Gia tộc. Những môn sinh đã thành tài trong môn phái này được gởi đến miền Bắc Trung Quốc truyền dạy và chuẩn bị cho những người khác chờ ngày vùng dậy.
Cũng như người Mông Cổ của triều đại trước, người Mãn Châu là một giống dân du mục và rất mê tín. Việc tôn giáo không bị cấm đoán. Bởi thế công cuộc tảo trừ những trung thần nhà Minh trở nên rất khó khăn. Rủi cho các cựu thần nhà Minh chổ nào cũng có những tên phản thầy, hại bạn. Nhờ vào một tên chỉ điểm, người Mãn Châu biết được nơi ẩn cư và những hoạt động của họ. Triều đình nhà Thanh đưa binh lực đến bao vây chùa và ra lệnh bắt mọi người. Biết rõ số phận của mình, họ chiến đấu rất anh dũng. Tất cả, trừ một số ít đã bỏ mình khi ngôi chùa bị hỏa thiêu. Những người trốn thoát tìm đến miền nam Trung Quốc lánh nạn. Do vậy, một ngôi chùa Thiếu Lâm khác được dựng lên tại tỉnh Phúc Kiến để chiêu tập anh hùng đợi ngày khởi nghĩa.
Có hai hạng người trong ngôi chùa này, những nhà sư chân chính cầu mong sự cứu rổi linh hồn và những cựu thần nhà Minh mong khôi phuc lại Minh triều. Những vị võ quan giả dạng ấy đòi hỏi trong chùa phải có một trình độ võ nghệ hoàn hảo. Những môn sinh ở đây muốn ra khỏi chùa phải qua những kỳ khảo hạch vô cùng khó khăn. Nếu không qua các kỳ khảo hạch đó, môn sinh phải ở lại, bất kể đã học bao nhiêu năm, môn thi gồm có:
1) Khẩu vấn lịch sử và lý thuyết của môn phái.
2) Giao đấu với nhiều bạn đồng môn khác.
3) Nếu vượt qua hai môn khảo sát trên, môn thi cuối cùng là đi qua hành lang có đặt 108 vị La hán bằng gỗ và đẩy một chiếc đảnh 250 Kg nung nóng đỏ.
Các vị La hán này được trang bị những món binh khí như quả đấm gỗ, gậy, dao, lao, . v.v. . . Kẻ thiên tài đã dựng lên các vị La hán này sắp đặt thế nào mà chính ông ta cũng không biết các vị ấy phản ứng ra sao khi bị chạm đến. Môn sinh khi bước qua hành lang không biết rằng những miếng ván mà mình bước lên sẽ động đến các vị La hán và sức nặng hay lực của của các môn sinh tác động lên miếng ván sẽ tác dụng lên các vị La hán. Tùy theo số tấm ván mà anh ta đụng tới, rất có thể mỗi lần phải chạm trán với ba vị hay hơn nữa.
Nếu môn sinh sống sót sau khi qua khỏi hành lang, cuối cùng phải cử (nâng) một chiếc đảnh nặng khoảng 250 kg nung nóng đỏ. Tư thế mà anh ta phải dùng để xê dịch chiếc đảnh là đứng tấn rồi dùng hai cánh tay ôm lấy. Nhờ vậy hai cánh tay anh ta sẽ in rõ hai hình ảnh tượng trưng (một con Rồng và một con Cọp). Đó chính là tấm bằng tốt nghiệp của chùa Thiếu Lâm miền Nam Trung Quốc, bất cứ đi đến đâu, hình ảnh tượng trưng ấy sẽ mang lại cho anh ta niềm kính phục và vinh dự.
TRUYỀN THUYẾT về NGƯỜI SÁNG TẠO MAI HOA QUYỀN
Một chuyện dân gian kể lại rằng mặc dầu có nhiều môn sinh qua được cuộc thi khốc liệt ấy để ra khỏi chùa (hạ san) một cách danh chính, ngôn thuận, thì cũng có những người thi trượt nhưng vẫn tìm cách trốn ra khỏi chùa. Một trong những kẻ đó là một người ở tỉnh Quảng Đông, việc anh ta được giới thiệu vào chùa Thiếu Lâm bắt nguồn từ một biến cố xảy ra trong làng. Anh ta là một kẻ yếu đuối, luôn bị những tên anh chị trong làng gây sự. Một ngày kia, sau khi bị đánh đập tàn nhẫn, một người bạn khuyên anh ta nên đến chùa Thiếu Lâm thụ giáo. Anh ta đã bỏ nhà đến ở trong chùa Thiếu Lâm trong suốt 15 năm. Sau khi thấy nhiều bạn bè qua khỏi các môn thi, bay nhảy bên ngoài và một phần cũng vì qua nhớ nhà anh ta quyết định thi. Anh ta đã qua được hai môn đầu. Nhưng đến khi gặp vị La hán thứ 32 thì bị hạ. Bị đánh trọng thương, được mang vào chùa săn sóc thuốc men. Trong thời gian điều trị, anh ta tìm cách chui ống cống ra ngoài. Mặc dù không qua khỏi môn thi cuối cùng, song kiến thức, năng lực mà anh ta thâu hái được về môn võ đã quá dư để anh ta sử dụng trong việc đối đầu với những tên hiếp đáp anh ta ngày xưa.
Nhưng nếu câu chuyện chỉ có vậy thôi thì cũng không có gì đáng nói. Anh ta được hậu thế biết đến là nhờ sáng tác ra bài Mai Hoa Quyền, một bài quyền làm anh ta thành bất tử gồm các động tác vô cùng phức tạp lấy ra từ quyền thuật Thiếu Lâm. Bài quyền này lại được tập trên những cây trụ tròn do các cọc tre đóng lại, có đường kính khoảng 20 cm, cao khoảng 60 cm (độ cao này có thể thay đổi tùy theo công phu của người tập), chung quang dưới đất găm toàn chông và dao nhọn chĩa lên. Nếu người tập chưa đủ công phu sẽ rơi xuống tử nạn. Địa danh này có tên gọi là Mai Hoa Thôn hay Mai Hoa Thung (do cách phát âm khác nhau), Mai Hoa Thung là nơi đầu tiên xuất phát cách tập trên cọc này, sau này thành thói quen người ta không còn khái niệm về địa danh nữa, dầu cho là thiết kế bố trí các cọc này ở dâu cũng điều được gọi là Mai Hoa Thung.
Tại sao môn võ KARATE lại có bài MAI HOA KATA ?
Trước đây thì Karate không có bài này, thật ra là thiếu bài này, nhưng trong một số bài quyền của Karate cũng có phản phất vài thế trong bài Mai Hoa quyền, ví dụ như trong các bài: MATSUKAZE kata, CHINTE kata. Vấn đề các võ sư tiền bối của Karate đưa các bài quyền của võ thuật Trung Hoa thêm vào cho phong phú là chuyện bình thường.
Ví dụ: Hệ phái SHORIN RYU ở OKINAWA, nổi tiếng là võ sư HOHAN SOKEN (đệ thập đẳng), thuộc cương phái, sinh năm 1889, học KARATE của ông chú là NABE MATSUMURA từ năm 13 tuổi đến năm 23 tuổi, ông chú nói bây giờ mới bắt đầu thực sự học KARATE (10 năm qua chỉ học căn bản).
Người dạy võ cho NABE MATSUMURA là ông nội của ông ta, võ sư HOHAN BUSHI MATSUMURA đã từng sang Trung Hoa học môn phái Bạch Hạc. Vì vậy hệ phái này nổi tiếng với bài quyền HAKUTSURU KATA (Bạch Hạc Quyền).
Theo lời của HOHAN SOKEN thì đương thời ông FUNAKOSHI GICHIN xin võ sư NABE MATSUMURA cho học bài này. Nhưng NABE MATSUMURA từ chối, vì chỉ muốn dạy cho người trong gia đình.
Hơn nữa, Karate là võ Trung Hoa chứ không phải võ Nhật. Năm 1917, ông FUNAKOSHI GICHIN (đương thời 5 dẳng OKINAWATE) được các võ sư đảo OKINAWA cử đi dự đại hội võ thuật tại Nhật do hội NIPPON BUTOKU-KAI mời, khi đó người Nhật mới biết và học Karate.
Lịch sử là ghi chép những gì đã qua, đối với ta đó là quá khứ. Nhưng quá khứ rất quan trọng vì hiện tại ngày nay là quá khứ của ngày mai.
Vào thập niên 60 tại Việt nam GS-TS Ngô Đồng đã đưa bài MAI HOA QUYỀN vào chương trình HUẤN LUYỆN nhất đẳng-SHODAN(1nd DAN GRADE BLACK BELT) giảng dạy cho Môn sinh môn phái Cương Nhu Karate ./.