Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

ĐIẾU VĂN


ĐIẾU VĂN MỘT NGƯỜI BẠN ĐÃ RA ĐI VÌ TAI BIẾN . KHÓC !!!
ĐIẾU VĂN LÊ CHIÊU NẾT
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa: Hương Linh bạn Lê Chiêu Nết.
Kính thưa: Gia đình tang quyến.

Chúng tôi cựu học sinh Quốc Học là bằng hữu của bạn Lê Chiêu Nết, nghe tin bạn qua đời, chúng tôi xin được đốt nén tâm hương dâng lên Chư Phật, Chư vị Bồ Tát, nguyện cầu cho bạn sớm siêu thoát trở về với miền Cực Lạc, cõi vĩnh hằng, an nhiên nơi Tịnh Độ.

Kính Hương Linh bạn:

Kinh sử đèn sách, đệ huynh kết bạn, vật đổi sao dời, bằng hữu chia ly. Nhớ bạn xưa, thư sinh dáng dấp, nói cười chơn chất, trường Quốc Học cùng nhau chia sẻ buồn vui, mài ghế đũng quần, chia nhau tiếng cười câu nói, giận hờn vu vơ vì mấy o nữ sinh Đồng Khánh. Tiếng thầy vẫn còn văng vẳng dạy chúng ta cùng nhau gánh vác non sông, nào ngờ đâu chiến tranh loạn lạc, vì cơm áo gạo tiền, xa cách một đứa một phương trời. Đã 40 năm qua chưa bao giờ gặp mặt, lòng mong mỏi một ngày gặp lại, trời không phụ cái tâm của tình người trong sáng, xui khiến cho chúng ta gặp nhau vào những ngày tóc đã bạc. Tha hương ngộ cố tri, nói cười vui vẻ lại, bạn nhắc: Cứ gọi “mi - tau” để thỏa lòng mong ước, những cuộc hội ngộ trong Nam ngoài Bắc chưa đong đầy nỗi nhớ, tay nắm tay chưa đủ ấm bàn tay, nhìn mắt nhau chưa bày tỏ hết tình này.
Hỡi ơi !
Tin sét đánh ngang tai, bạn bè hoảng hốt, hoa tàn, trăng khuyết, bóng người khuất núi, bạn đã ra đi, bạn bè lòng như dao cắt muối xát, tình bằng hữu từ nay đành vĩnh viễn chia lìa, mắt mờ bóng lệ, lòng thấy quạnh hiu. Nơi vĩnh cửu bạn ơi có biết: Quả phụ, con, cháu tiếc thương, từ đường vắng vẻ, xóm làng buồn rũ, bạn bè trăm nhớ nghìn thương, nỗi thương tâm khôn xiết tỏ bày, hai hàng lệ nhỏ. Khóc bạn hiền từ nay thiên thu vĩnh biệt, đau xót biết nhường nào!

Hồn thiêng bạn đó có hay
Xin về chứng kiến đắng cay thảm sầu
Nỗi niềm càng nói càng đau
Bạn bè thương tiếc cùng nhau niệm tình.
Cầu xin tiếp độ hương linh
Giải trừ nghiệp chướng, vãng sinh Niết Bàn
Hồng trần rũ sạch hành trang
Nghiệp căn xin được tiêu tan giải trừ.
Chúng tôi lạy bạn tạ từ,
Tiễn hồn về chốn chân như vĩnh hằng
Cùng nhau xin khấn nguyện rằng:
Cầu hồn bạn được siêu thăng Phật đài
Ở nơi tiên cảnh bồng lai
Mong sao bạn được khoan thai an nhàn
Thảnh thơi ngoài cõi trần gian
Ghi sâu tình nghĩa tâm can khắp miền.
Lạy hồn bạn có linh thiêng
Xin về chứng giám niềm riêng sở cầu.

Đứng trước anh linh bạn chúng tôi nguyện cầu bạn, hãy phù hộ cho gia đình bạn được sức khỏe, biết nén đau thương và sống an lành cho những ngày sắp tới.

Kính lạy vĩnh biệt bạn Lê Chiêu Nết.
Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát Ma Ha Tát.
Văn Nhân

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

LỤC BÁT BUỒN

LỤC BÁT BUỒN 

Ngày xưa bầu bạn , thơ Đường 
Nhịp vần bằng trắc dễ thương thuở nào 
Em là sáu chữ ước ao
Còn anh câu tám ngọt ngào ước mơ
Quyện vào nỗi nhớ bài thơ
Bẻ đôi câu chữ vẫn chờ đợi mhau
Một câu vương vấn ngày sau
Còn câu mộng mị đêm thâu tơ lòng
Thúy Kiều , Kim Trọng chờ mong
Bích Câu Kì Ngộ đục trong thuở nào
Bây giờ không có là sao
Chỉ toàn thơ mới ngẩn cao với đời
Không vần lạc điệu chào mời
Gia phong khuôn phép đâu rồi hởi ôi !
Nói câu ngông ngược ông tôi
Câu dài, câu ngắn, câu xôi, câu chè
Câu thì lổn nhổn đậu mè
Mở môi hai chữ bị đè dấu than !
Có câu lải nhải vài hàng
Thơ thơ, thẩn thẩn đòi ngang Trạng Trình
Phận tôi lục bát nhục vinh
Thôi thì phận bạc ẩn mình dại khôn .

Văn Nhân

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

KÍ ỨC NGUYÊN TIÊU HUẾ

KÝ ỨC NGUYÊN TIÊU 
Thừa Thiên Huế vào thập niên 70 của thế kỷ XX xuất hiện ba tay quái kiệt, không biết từ đâu mà họ lại quen biết nhau, nhìn nhau như đã quen nhau từ kiếp trước, có lý do cả ba chung một điểm là đam mê võ thuật và 
họ đụng nhau ở điểm cao của nghệ thuật võ. Chơi với nhau ngày càng gắn bó hơn, có ba cái tên cũng rất “quái chiêu”: THẤT – NHÂN – TÂM.
- Hồ Văn Thất: Võ Ta
- Nguyễn Văn Nhân: Võ Cương Nhu Karate Do
- Hồ Văn Tâm: Võ Ju Do
Thất Nhân Tâm là tổ trọng tài võ vật của Thừa Thiên Huế thế kỷ trước, đã từng chinh chiến khắp mọi nơi. Ngoài ra Thất Nhân Tâm đều biết thi, ca, nhạc, họa, v.v... luôn chơi ngông ngược với đời.
Vào một buổi tối ngày mười bốn tháng Giêng năm Canh Thân (1980) Thất Nhân Tâm đang uống rượu ngắm trăng, tửu nhập ngôn xuất, họ bảo nhau rằng chúng ta là những người lo cho dân, cho nước nên không có điều kiện để hưởng những ngày Tết Nguyên đán thật sự, vì vậy tối rằm tháng Giêng này chúng ta tổ chức ăn Tết Nguyên Tiêu tại đỉnh núi Ngự Bình. Hồ Văn Thất nói: “Trước khi lên núi phải tắm rửa, tẩy trần”. Đúng 16 giờ ngày rằm tháng Giêng năm Canh Thân (1980) cả ba hẹn nhau trước bia trường Quốc Học Huế để tắm sông Hương tẩy trần rồi lên đỉnh núi Ngự Bình uống rượu thưởng trăng Nguyên Tiêu đầu năm, đúng nghĩa của “Tết Nguyên Tiêu”. Trăng thanh gió mát, rượu thơ ca tuôn trào, làm cho núi rừng cũng nghiêng ngửa say theo. Nguyễn Văn Nhân mới hứng khởi sáng tác một bài hát Nguyên Tiêu Ca:

“Uống, uống ta uống rượu cho thật say
Để ta thấy em như mặt trời phương Tây
Uống, uống ta uống rượu cho thật say
Để em thấy ta như mắt trời phương Đông ...”
Thất Nhân Tâm còn bàn tính với nhau về ước mơ cho Nguyên Tiêu những năm tới là phải thông báo thêm cho các võ sư, giới văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế lên núi Ngự Bình để chơi Tết Nguyên Tiêu, chắc sẽ có những cặp tình nhân hò hẹn lên đây, những thiên tình ca cũng xuất hiện từ nơi đây. Ước mơ tuy nhỏ bé của Thất Nhân Tâm nhưng cũng khó thực hiện, trong giai đoạn đó đất nước rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lấy đâu ra những con người tâm đắc để hưởng lạc chốn bồng phiêu. Dầu vậy, Thất Nhân Tâm cũng đặt ra luật chơi của Nguyên Tiêu: rượu phải nâng ngang mày, nhìn chị Hằng để uống, giao tiếp chỉ có luận bàn về võ, thơ, ca, nhạc, họa, v.v... thoát tục.
Ánh trăng tròn trên không gian vô tận, giữa núi rừng bao la, xa xa là ánh đèn thành phố Huế lấp lánh sáng lên một vùng trời bình yên, minh chứng cho một cái Tết Nguyên Tiêu trọn vẹn.
Đến 5 giờ sáng trăng đã nghiêng hẳn về phía Tây, nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu và Thất Nhân Tâm mới xuống núi. Thế là Tết Nguyên Tiêu của Thừa Thiên Huế xuất hiện từ đó.
Ngày rằm tháng Giêng năm Tân Dậu (1981) lại có thêm một số bằng hữu, đặc biệt hơn có 3 thành viên nữ: Thảo, Như, Quỳnh cùng lên núi thưởng ngoạn Nguyên Tiêu thật là vui. Âm dương giao hòa, không khí trời đất trở nên trong sáng, mát mẻ và vô thường, tất cả đều hát lên bài Nguyên Tiêu Ca mọi người như lạc vào cõi tiên, Hồ Văn Tâm hát vang:

“Tay tiên nâng chén rượu đào,
Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say
Là say đi tìm, tìm em, em ở nơi đâu,
Chim bay biển Bắc anh tìm biển Nam,...”
Những tình nghĩa những chiêu thức võ, thơ, ca, nhạc, họa của chốn bồng lai bắt đầu xuất hiện đưa con người vào cõi thần tiên thật dịu dàng và thánh thiện. Ai ai cũng gần như gác bỏ mọi phiền muộn tục lụy của chốn hồng trần, mọi người bị níu chân ở lại không ai muốn hạ sơn. Như cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Văn Phương tối hôm đó
“Nguyên tiêu lên núi Ngự Bình,
Nghe nghĩa hóa rượu, nghe tình hóa men”.
Một cuộc chơi đủ đầy ý nghĩa, đậm đà tình người, bản sắc văn hóa Huế xuất hiện thật rõ ràng.
Ngày rằm tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1982) tiếng lành đồn xa, không ai bảo ai, không khí cảnh sắc mùa xuân, lòng người rộn ràng, đêm Nguyên Tiêu trăng sáng, đến hẹn lại lên, tất cả các võ sư của các môn phái võ ở Huế gần như có mặt đầy đủ, giới văn nghệ sỹ cũ mới của Cố đô cũng tham gia tích cực không kém. Mỗi người một vẻ, mỗi người một nét đóng góp những tiết mục thơ nhạc thật tuyệt vời. Cũng mở đầu bài “Nguyên Tiêu Ca”, nhà văn Nguyễn Quang Hà với bài thơ “Chiếc răng khểnh”, rồi những ca khúc hát về rượu:

“Rượu nồng ta uống,
Uống say một đêm ngất ngây
Thả hồn theo gió heo may
... Rượu nồng ta uống,
Uống say để nghe gió phai tình người thương quá đi thôi ...”
Võ Sư Lê Huy Chương giọng khẩu khí ngâm bài “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trác:

“Hồ Trường ta biết rót về đâu ...
Ai là người tri kỷ lại cùng ta cạn một hồ trường”.
Tất cả tham gia hào hứng, nhiều đóng góp ý nghĩa:

“Sông Hương, núi Ngự, Thiên Thai ấy
Thơ uống hồn say chốn vô thường”.
Tất cả lâng lâng trong thơ say cho đến khi tỉnh lại thì đỉnh đầu núi Ngự Bình đã thấy ánh hào dương, để lại trong lòng mọi người một đêm Nguyên Tiêu Huế không bao giờ quên.
Từ Nguyên Tiêu năm 1983 – 1984 và những năm về sau, Tết Nguyên Tiêu đã tổ chức 3 đêm liên tiếp mười bốn, rằm, mười sáu tháng Giêng. Số lượng người tham gia ngày càng đông có khi cao điểm lên đến vài chục nghìn người làm cho Núi Ngự Bình bất kham không còn chỗ. Người tham gia Tết Nguyên Tiêu phải tự tìm những địa điểm mới: núi Bân, Thiên Thai, Thiên An, đồi Vọng Cảnh, v.v... tổ chức về tận núi rừng của các huyện. Du khách những tỉnh khác vào những đêm Nguyên Tiêu cũng kéo nhau về với Huế để tham dự.
Huế rộn ràng một nét xuân mới chưa từng có, chúng ta mong rằng Nguyên Tiêu Huế luôn ở trong lòng người dân Huế mãi mãi.

Văn Nhân 

                                                                      THẤT NHÂN TÂM